Gia Lai phát cảnh báo nhằm bảo vệ đàn cá voi

Gia Lai phát cảnh báo nhằm bảo vệ đàn cá voi

bởi

trong

Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai yêu cầu các tour du lịch, tàu cá phải giữ khoảng cách, tắt động cơ, không hoạt động quá 3 tàu khi vào khu vực có cá voi.

Ngày 9/7, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai đề nghị cơ quan chức năng tăng cường bảo vệ cá voi Bryde (Balaenoptera edeni), khi chúng thường xuyên xuất hiện tại nhiều vùng biển ven bờ của tỉnh như Xuân Thạnh (xã Phù Mỹ Đông), Vũng Bồi (xã An Lương), xã Đề Gi, Hòn Sẹo, Hòn Cỏ, Hòn Khô Lớn (phường Quy Nhơn Đông), Mũi Gành (phường Hoài Nhơn Đông).





Gia Lai phát cảnh báo nhằm bảo vệ đàn cá voi

Cá voi nặng 10-15 tấn kiếm ăn ở biển Hòn Sẹo – Nhơn Lý, sáng 5/7. Ảnh: Mai Hương

Việc loài cá voi này liên tục xuất hiện hơn một tháng qua cho thấy môi trường và hệ sinh thái biển Gia Lai đang dần phục hồi, với nguồn thức ăn dồi dào, phù hợp tập tính kiếm ăn của chúng.

Tuy nhiên, thời gian qua nhiều tàu du lịch, ca nô, tàu cá tiếp cận quá gần khu vực có cá voi. Một số tour du lịch tự phát tổ chức cho khách đi xem cá voi, chụp ảnh, có thể khiến loài thú biển này căng thẳng, bỏ đi hoặc thậm chí bị mắc cạn.

Cá voi Bryde sử dụng hạ âm để định hướng và giao tiếp, nên tiếng động cơ tàu thuyền có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chúng. Chỉ một va chạm nhẹ cũng đủ gây chấn thương. Đặc biệt, với tập tính lùa thức ăn vào miệng rộng mở, cá voi Bryde rất dễ nuốt phải túi nilong hoặc rác thải nhựa trôi nổi trên biển.





Cá voi có tập tính lùa thức ăn vào miệng rộng mở. Ảnh: Mai Hương

Cá voi có tập tính lùa thức ăn vào miệng rộng mở. Ảnh: Mai Hương

Để bảo vệ và bảo tồn loài cá voi quý hiếm này, Sở Nông nghiệp và Môi trường đề nghị các đơn vị liên quan hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tổ chức tour xem cá voi phải giữ khoảng cách tối thiểu 100 m, không tiếp cận phía trước đầu hoặc phía sau đuôi cá voi. Tốc độ tàu thuyền phải hạn chế, tốt nhất nên tắt động cơ khi vào khu vực có cá voi. Ngoài ra, không được để quá 3 tàu hoạt động cùng lúc tại khu vực có cá voi.

Cá voi Bryde sống gần bờ, xuất hiện nhiều ở vùng biển Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, đặc biệt quanh khu vực Vịnh Thái Lan. Tại Việt Nam, chúng được ghi nhận ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Riêng tại Gia Lai, tần suất cá voi Bryde xuất hiện ngày càng dày trong khoảng 5 năm trở lại đây.

Cá voi Bryde thuộc họ cá voi lưng gù (Balaenopteridae), có đặc điểm dễ nhận diện là ba đường gờ chạy trên đỉnh đầu phía trước lỗ thở, cùng 40-70 nếp gấp ở vùng cổ họng giúp mở rộng miệng khi kiếm ăn.

Trần Hóa