Thoạt nghe, nhiều du khách tưởng rằng các thương vụ mua nhà giá 1 euro tại Italy là món hời, nhưng thực tế đây lại là “canh bạc nhiều ràng buộc”.
Chán ngán những mùa đông lạnh giá ở Anh, Sally Boole và chồng quyết định tìm đến nắng ấm Sicily, Italy, với giấc mơ biến căn nhà 1 euro thành nơi trú đông lý tưởng.
Nhà Boole, đến từ hạt Derbyshire, nghe về chương trình bán nhà giá tượng trưng tại thị trấn Mussomeli từ bố mẹ của Sally. Không lâu sau, họ thu dọn hành lý, đến thị trấn cổ này và chỉ trong vài ngày đã chọn được một căn nhà bỏ hoang trong khu phố cổ.

Martin (ngồi phía trước) đang cùng thợ sửa lại căn nhà giá 1 euro ở Italy. Ảnh: DM
Vợ chồng du khách Anh từng du lịch đến Sicily và luôn mơ có một ngôi nhà ở đây. “Nghe về nhà 1 euro, chúng tôi nghĩ sao không thử?”, Sally, 54 tuổi, chia sẻ.
Căn nhà ba tầng được họ mua vào tháng 7/2024. Từ đó, họ thường xuyên trở lại để tự cải tạo, phần lớn do chồng Sally vốn là thợ sửa ống nước thực hiện. Dự kiến hai năm nữa công trình sẽ hoàn tất, với hai phòng ngủ có nhà vệ sinh riêng, phòng khách mở và bếp hiện đại.
Dù có thể sở hữu nhà chỉ với 1 euro, chi phí thực tế để sở hữu và cải tạo căn nhà cao gấp 40.000 lần, tương đương gần 40.000 euro khách phải bỏ thêm. “Chúng tôi không hối tiếc, đây là một canh bạc đáng giá”, Sally nói.
Mussomeli là một trong hàng chục thị trấn Italy áp dụng chương trình Case a 1 Euro nhằm hồi sinh những khu dân cư đang xuống cấp do dân số già hóa và làn sóng di cư của người trẻ. Từ năm 2017, chương trình thu hút hàng trăm người nước ngoài đến tìm cơ hội làm lại từ đầu với mức đầu tư thấp.
Tuy nhiên, để biến căn nhà bỏ hoang thành tổ ấm, chi phí thực tế cao gấp nhiều lần, kèm theo nhiều điều kiện bắt buộc. Antonella Zaffuto, đại diện một công ty môi giới địa phương, cho biết phần lớn khách hàng là người Anh, Mỹ và các quốc gia nói tiếng Anh. Họ không mua nhà để định cư lâu dài mà chủ yếu đến tránh mùa đông khắc nghiệt.

Căn nhà giá 1 euro vợ chồng Boole mua ở Italy. Ảnh: DM
Antonella luôn nhắc đi nhắc lại với khách mua nhà 1 euro chỉ là giá tượng trưng. Phí pháp lý, thuế và cải tạo có thể đẩy tổng chi phí lên tới 60.000 USD. Người mua cần chuẩn bị kỹ lưỡng, nếu không sẽ mất cọc.
Một trong những người mới mua nhà là Nicky Cook, du khách Anh. Sau cuộc chia tay với bạn trai, cô đến Mussomeli tìm lại cân bằng và mua căn nhà hai tầng với tổng chi phí khoảng 15.000 euro. Nicky muốn tìm một nơi mới để bắt đầu lại từ đầu. Sicily là nơi lý tưởng vì khí hậu, văn hóa và giá cả phải chăng.
Theo quy định tại Mussomeli, người mua phải nộp bản kế hoạch cải tạo trong vòng một năm, khởi công trong vòng hai tháng và hoàn tất trong ba năm. Khash phải cọc 5.000 euro – sẽ bị mất nếu không hoàn thành đúng hạn.
Không ít căn nhà được rao bán là tài sản thừa kế bị bỏ trống nhiều năm, xuống cấp nghiêm trọng. Dù vậy, với tầm nhìn đẹp, không khí trong lành và cộng đồng an toàn, nhiều người vẫn xem đây là “món hời” so với giá bất động sản ở Anh hay Mỹ.
Tuy nhiên, công dân không thuộc khối EU chỉ được ở tối đa 180 ngày một năm và không quá 90 ngày liên tục. Muốn định cư, họ phải xin hộ chiếu EU hoặc cư trú dài hạn.

Thị trấn Mussomeli với nhiều ngôi nhà bỏ hoang nằm trên các con đường nhỏ lát đá. Ảnh: DM
Thống kê từ chính quyền địa phương cho biết đã có hơn 500 căn nhà 1 euro được bán, mang lại hơn 80 triệu euro cho nền kinh tế thị trấn, góp phần hồi sinh một cộng đồng từng bị lãng quên.
Thị trưởng Giuseppe Catania khẳng định chương trình không mang những mang lại lợi ích tài chính mà còn giúp thay đổi diện mạo, bản sắc của thị trấn. Nơi này từng bị lãng quên, nay đã tràn đầy sức sống.
Còn với nhiều du khách, cuộc mua bán nhà này thoạt nghe tưởng như một món hời, nhưng thực tế là một “canh bạc với nhiều ràng buộc”. Tuy nhiên, nhiều người hài lòng chấp nhận với cuộc chơi này, như vợ chồng Sally Boole.
Anh Minh (Theo DM)