Việc xây đập từ năm 1835 khiến các cực của Trái Đất “lệch” khỏi trục quay của hành tinh do khối lượng nước khổng lồ trong những hồ chứa.

Đập thủy điện Bạch Hạc Than ở Trung Quốc. Ảnh: VCG
Live Science hôm 9/7 đưa tin, nghiên cứu công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters cho thấy việc xây dựng hàng nghìn đập từ năm 1835 làm cực Trái Đất dao động. Các nhà khoa học phát hiện những đập lớn chứa lượng nước khổng lồ, dẫn tới tái phân bố khối lượng trên toàn cầu, thay đổi vị trí của lớp vỏ Trái Đất so với lớp phủ (lớp giữa của hành tinh). Lớp phủ của Trái Đất có tính chất dẻo, và lớp vỏ tạo thành lớp cứng bên ngoài có thể trượt trên đó. Khối lượng trên lớp vỏ làm nó dịch chuyển so với lớp phủ, qua đó thay đổi vị trí các cực Trái Đất.
“Bất kỳ dịch chuyển nào của khối lượng trong lòng Trái Đất hoặc trên bề mặt của nó đều thay đổi hướng của trục quay so với lớp vỏ, quá trình được gọi là sự lệch cực”, nhóm nghiên cứu đến từ khoa Khoa học Trái Đất và hành tinh ở Đại học Harvard, Mỹ, cho biết.
Giới khoa học biết hoạt động di chuyển khối lượng nước lớn của con người có thể gây ra sự lệch cực. Một nghiên cứu công bố hồi tháng 3 cho thấy băng tan chảy đáng kể do biến đổi khí hậu có thể khiến các cực dịch chuyển 27 m vào cuối thế kỷ.
Trong nghiên cứu mới, các chuyên gia xem xét tác động của 6.862 đập trên toàn cầu đối với cực Trái Đất từ năm 1835 đến 2011, sử dụng cơ sở dữ liệu về các đập. Lượng nước giữ bởi những đập này có thể lấp đầy hai lần hẻm Grand Canyon, dẫn đến mực nước biển toàn cầu giảm 23 mm.
Việc lưu trữ nước sau đập khiến cực Trái Đất di chuyển tổng cộng 1,1 m trong thời gian nghiên cứu. “Giữ nước sau đập không chỉ làm giảm lượng nước từ đại dương, dẫn đến mực nước biển toàn cầu giảm, mà còn tái phân bố khối lượng theo cách khác trên toàn thế giới”, tác giả chính của nghiên cứu Natasha Valencic, nghiên cứu sinh ngành địa chất, địa vật lý và khoa học hành tinh tại Đại học Harvard, chia sẻ.
Dựa trên nhiều tính toán và mô hình máy tính, Valencic nhận thấy hai giai đoạn lệch cực rõ rệt trong thời gian nghiên cứu. Giai đoạn đầu tiên từ năm 1835 đến 1954 phản ánh hoạt động xây đập quy mô lớn ở Bắc Mỹ và châu Âu, khiến cực Bắc dịch chuyển gần hơn 20 cm với kinh tuyến 103 độ đông, đường tưởng tượng chạy theo hướng bắc – nam qua Nga, Mông Cổ và Trung Quốc.
Giai đoạn thứ hai từ năm 1954 đến 2011 phản ánh hoạt động xây đập mở rộng ở Đông Phi và châu Á. Những đập này thêm khối lượng vào phía đối diện của Bắc Mỹ và châu Âu, dẫn đến cực Bắc dịch chuyển 57 cm về phía kinh tuyến 117 độ tây, chạy qua phía tây Bắc Mỹ và Nam Thái Bình Dương. Quá trình lệch cực không theo đường thẳng tuyến tính mà tạo thành đường cong ngoằn ngoèo, do đó dịch chuyển ròng theo mỗi hướng không quá 1,1 m.
Theo Valencic, dù vị trí cực tác động tương đối ít đến những quá trình trên Trái Đất, ảnh hưởng từ các đập đến mực nước biển rất đáng kể. Kết quả nghiên cứu chỉ ra giới khoa học nên tính đến các đập trong dự báo mực nước biển dâng cao, vì chúng ngăn lượng nước lớn đổ vào đại dương. Mực nước biển toàn cầu tăng 12-17 cm trong thế kỷ 20.
An Khang (Theo Live Science)