Có cảng mới nhưng lo ngay ngáy vì luồng lạch bồi lắng

Có cảng mới nhưng lo ngay ngáy vì luồng lạch bồi lắng

bởi

trong
Có cảng mới nhưng lo ngay ngáy vì luồng lạch bồi lắng

Tàu thuyền cập cảng cá Cửa Sót – Ảnh: LÊ MINH

Tàu thuyền lớn canh thủy triều để cập cảng

Sáng 9-7, chúng tôi có mặt tại cảng cá Cửa Sót ghi nhận thủy triều đang lên cao, các tàu thuyền ngoại tỉnh có công suất lớn tranh thủ cập bến để bốc dỡ hải sản sau chuyến vươn khơi dài ngày.

Trên bến cảng, nhiều thương lái đã có mặt từ sớm chờ mua hải sản để vận chuyển đưa đến các chợ tiêu thụ. Đợt này tàu thuyền đánh bắt xa bờ chủ yếu đánh được các loài cá, tôm, ốc; trong khi thuyền công suất nhỏ gần bờ chủ yếu đánh bắt tép biển.

9h sáng, sau khi bốc dỡ song số hải sản đánh bắt được hơn 10 ngày trên biển đưa lên bờ, anh Dương Văn Sỹ (39 tuổi, ngụ tỉnh Thanh Hóa) cùng với nhóm bạn thuyền mới có thời gian nghỉ ngơi chuẩn bị ăn sáng.

Đứng trên con tàu gỗ to lớn, anh Sỹ nói rằng khu vực cảng cá Cửa Sót vừa xây được đầu tư, xây dựng hạ tầng mới đã có thêm không gian cho tàu thuyền vào bờ neo đậu khiến ngư dân rất vui. Song thực trạng luồng lạch vào cảng bồi lấp nhiều năm qua chưa được nạo vét vẫn là nỗi lo lắng của tàu thuyền lớn mỗi khi vào bờ.

Theo anh Sỹ, anh cùng nhóm bạn thuyền đưa con tàu công suất 250CV vào vùng biển Hà Tĩnh đánh bắt hải sản hơn 6 năm nay. Những năm qua, do luồng lạch vào cảng Cửa Sót bị bồi lắng nên sau mỗi chuyến đánh bắt trở về con tàu phải đợi thủy triều lên mới vào được cảng.

“Tàu của chúng tôi đánh bắt dài ngày trên biển, khi vào bờ gặp lúc thủy triều xuống buộc phải đậu ngoài xa để thuê thuyền nhỏ vận chuyển hải sản lên bờ, tốn thêm chi phí” – anh Sỹ cho hay.

cảng cá - Ảnh 2.

Anh Dương Văn Sỹ trên con tàu công suất 250CV của mình – Ảnh: LÊ MINH

Đề xuất dự án nạo vét luồng 60 tỉ đồng

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Bùi Tuấn Sơn – giám đốc Ban quản lý các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão tỉnh Hà Tĩnh, cho biết giữa năm 2024, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh tổ chức triển khai dự án cảng cá Thạch Kim (nằm bên cạnh cảng cá Cửa Sót) với vốn đầu tư 60 tỉ đồng từ nguồn tiền bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.

Theo thiết kế, dự án đầu tư xây dựng mở rộng cảng cá Thạch Kim gồm hai bến cho tàu đến 400CV và 90CV; hệ thống kè bảo vệ bến tàu; hệ thống đường giao thông trong cảng và các hạng mục công trình dân dụng, hạ tầng kỹ thuật phục vụ hậu cần nghề cá.

Đến nay dự án đã hoàn thành, đang thực hiện các thủ tục cần thiết để chính thức bàn giao đưa vào sử dụng, đã mang lại niềm phấn khởi cho ngư dân khi cảng cá Cửa Sót có thêm không gian rộng để tàu thuyền vào neo đậu, buôn bán hải sản.

Theo ông Sơn, mặc dù cảng cá được đầu tư đồng bộ, song luồng lạch vào cảng đang bị bồi lấp nghiêm trọng khiến ngư dân vẫn còn hết sức băn khoăn.

“Vào các năm 2014 và 2020 đã triển khai các dự án nạo vét luồng lạch tại cảng cá Cửa Sót, nhưng sau đó trải qua thời gian luồng lạch tiếp tục bị bồi hoàn. Hàng năm lượng cát bồi hoàn rất lớn, trong khi đó vài năm gần đây vẫn chưa có dự án nạo vét khiến luồng lạch bồi lắng nặng” – ông Sơn thông tin.

Qua rà soát, hiện luồng lạch vào cảng cá Cửa Sót nói riêng và các cảng, khu neo đậu khác trên địa bàn toàn tỉnh bị bồi lắng ngày càng nhanh, nghiêm trọng, nhiều nơi tàu thuyền có công suất trên 90CV chỉ vào được lúc triều cường, gây khó khăn, nguy hiểm cho ngư dân khi ra vào cảng, nhất là thời điểm có bão lũ.

“Để tàu thuyền được hoạt động thuận lợi, an toàn, chúng tôi mong muốn tỉnh có phương án khả thi nạo vét thường xuyên luồng vào, vùng nước neo đậu trước cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão tàu cá hằng năm, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền khai thác thủy sản và tránh trú bão, thuận lợi trong kinh doanh buôn bán” – ông Sơn nói.

Theo một cán bộ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh, trước thực trạng luồng vào cảng cá Cửa Sót bị bồi lắng, vừa qua UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản gửi các bộ ngành đề xuất dự án nạo vét luồng và vùng nước trước cảng cá Cửa Sót với tổng mức đầu tư 60 tỉ đồng.

Dự án sẽ dụng nguồn kinh phí bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Fomosa Hà Tĩnh và hiện đang trong thời gian chờ bộ ngành xem xét, cho ý kiến.