
Trẻ sơ sinh ở Gaza phải nằm chung trong lồng ấp vì thiếu thiết bị – Ảnh: CNN
Theo Đài CNN ngày 9-7, các cơ sở y tế ở Gaza buộc phải ngừng hoạt động một phần hoặc chuẩn bị đóng cửa hoàn toàn, khiến hàng trăm bệnh nhân, bao gồm nhiều trẻ sơ sinh, rơi vào tình trạng nguy kịch.
Liên hợp quốc và các tổ chức nhân đạo đã phát đi lời kêu gọi Israel cho phép tiếp nhiên liệu khẩn cấp vào Gaza, trong khi người dân nơi đây tiếp tục vật lộn giữa bom đạn và thiếu thốn.
“Xe cứu thương thì chết máy, hệ thống nước thì sắp sụp đổ. Số người tử vong do những tình trạng này có thể sẽ tăng vọt nếu chính quyền Israel không cho phép tiếp nhiên liệu mới vào – một cách khẩn cấp, thường xuyên và với số lượng đầy đủ”, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết.
Hệ thống y tế bên bờ sụp đổ
Tại nhiều bệnh viện ở Gaza, các bác sĩ cho biết họ đã phải đặt nhiều trẻ sơ sinh vào cùng một lồng ấp do không còn đủ thiết bị hoạt động.
Ông Fadel Naim, giám đốc Bệnh viên Al-Ahli ở phía nam thành phố Gaza, hôm 9-7 đã đăng tải một bức ảnh ở cơ sở y tế Al-Helou, hé lộ tình trạng quá tải nghiêm trọng khi nhiều trẻ sơ sinh phải nằm chung trong một lồng ấp.
“Vấn đề này không chỉ dừng lại ở chuyện thiếu thiết bị, mà nó là hậu quả trực tiếp từ cuộc chiến không ngừng nghỉ ở Gaza và lệnh phong tỏa làm tê liệt hệ thống y tế”, ông Naim viết trên mạng xã hội X.
“Cuộc phong tỏa đã biến việc chăm sóc cho những đứa trẻ sinh non – vốn là điều thông thường – trở thành một cuộc chiến sống còn. Không một đứa bé nào đáng phải sinh ra trong một thế giới nơi bom đạn và phong tỏa quyết định việc chúng sẽ sống hay chết”, ông chia sẻ.
Tại Bệnh viện Al-Shifa ở phía bắc Gaza, giám đốc Mohammad Abu Silmiya cảnh báo bệnh viện có thể phải ngừng hoạt động trong vòng ba giờ nếu không được cấp nhiên liệu, đe dọa mạng sống của hàng trăm bệnh nhân, trong đó có 22 trẻ sơ sinh trong lồng ấp.
Bên trong bệnh viện này, các bác sĩ đang phải dùng đèn pin để điều trị cho bệnh nhân giữa lúc thiếu điện trầm trọng.
Các bệnh viện khác như Trung tâm Y tế Nasser cũng chỉ còn đủ nhiên liệu để duy trì hoạt động trong 24 giờ, buộc họ phải dồn nguồn lực vào các khoa trọng yếu như khoa sản và khoa hồi sức tích cực.

Nhiều cơ sở y tế ở Gaza đang trong tình trạng khẩn cấp vì lệnh phong tỏa nhiên liệu của Israel – Ảnh: REUTERS
Thiếu nhiên liệu trầm trọng
Không chỉ cạn kiệt nhiên liệu, nhiều bệnh viện ở Gaza còn không thể tìm được phụ tùng thay thế để sửa chữa các máy phát điện vốn đã cũ, nhưng lại trở thành nguồn cung cấp điện quan trọng cho họ.
Bộ Y tế Gaza cho biết đây hiện là vấn đề nghiêm trọng không kém, khiến nhiều cơ sở y tế buộc phải hoạt động với máy phát dự phòng công suất thấp.
Bệnh viện Al-Aqsa Martyrs ở trung tâm Gaza đã phát cảnh báo rằng máy phát điện chính của họ đã hỏng hoàn toàn, và nguồn nhiên liệu dự phòng sẽ hết trong vài giờ tới, đe dọa tính mạng hàng trăm bệnh nhân.
“Việc bệnh viện phải ngừng hoạt động sẽ có thể làm gián đoạn dịch vụ chăm sóc y tế cho nửa triệu người ở trung tâm Gaza”, tuyên bố cho biết.
Tình trạng thiếu nhiên liệu còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các dịch vụ thiết yếu khác ở Gaza như cung cấp nước, xử lý nước thải, vận hành phương tiện cứu hộ. Gaza phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nhiên liệu nhập khẩu cho các nhu cầu này.
Tuy nhiên Israel vẫn duy trì hạn chế nghiêm ngặt với các lô nhiên liệu viện trợ, viện lý do lực lượng Hamas có thể sử dụng chúng để chế tạo vũ khí.
Hôm 8-7, Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) gọi đây là “cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có” và kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức, cũng như cho phép viện trợ nhân đạo quy mô lớn vào Gaza.
“Chúng tôi kêu gọi chính phủ Israel và các nước đang tiếp tay cho tình trạng này hãy hành động ngay lập tức để chấm dứt lệnh phong tỏa và ngăn chặn sự xóa sổ của người Palestine khỏi Gaza”, MSF nhấn mạnh.
Ngày 2-3, Israel ban bố lệnh phong tỏa trên toàn Gaza, đẩy hơn 2 triệu người dân Palestine ở khu vực này vào tình trạng cận kề nạn đói và khủng hoảng nhân đạo ngày càng nghiêm trọng.
Viện trợ có giới hạn đã được nối lại vào tháng 5, nhưng các tổ chức nhân đạo cho biết lượng viện trợ này không đủ để đáp ứng nhu cầu hiện tại của người dân.