
Tiếng ồn, nhất là ồn do hát karaoke luôn gây bức xúc – Minh họa: C.THÀNH
Như Tuổi Trẻ Online thông tin, nhiều người dân ở làng du lịch An Mỹ (Hội An Đông, TP Đà Nẵng – trước đây là Cẩm Châu, TP Hội An) bức xúc cho biết các quán nhậu rải loa “kẹo kéo” hát karaoke rung giật suốt ngày đêm, gây tiếng ồn dữ dội, phá vỡ bầu không gian yên bình. Điều lo ngại là tiếng ồn này sẽ ảnh hưởng tới môi trường du lịch.
Còn tại Huế, chủ tịch UBND TP yêu cầu các xã, phường mới quy định khung giờ yên tĩnh trong khu dân cư, vận động người dân ký cam kết không gây tiếng ồn, giữ gìn an ninh trật tự.
TS Cao Vũ Minh đã gửi đến Tuổi Trẻ Online bài viết chia sẻ biện pháp có thể “trị” tiếng ồn.
Người gây ô nhiễm tiếng ồn cứ thản nhiên vi phạm
Ô nhiễm tiếng ồn không đơn thuần chỉ gây ra sự phiền toái. Loại ô nhiễm tiếng ồn này còn là nguyên nhân gây tác hại lâu dài đối với sức khỏe con người.
Các nguồn gây ô nhiễm tiếng ồn phổ biến như: còi xe ô tô, khoan cắt bê tông từ công trình xây dựng, hát karaoke tại khu dân cư, loa quảng cáo từ các cửa hàng thời trang, siêu thị điện máy…
Lẽ ra vào thời gian nghỉ ngơi, người dân đô thị cần được yên tĩnh thì lại phải chịu đựng tiếng ồn quá cỡ. Người gây ô nhiễm tiếng ồn cứ thản nhiên, còn người bị “tra tấn” thì cam chịu.
Nhiều trường hợp dễ dàng bỏ qua, “thôi kệ”, bởi nếu phản ánh họ có thể gặp hiểm nguy.
Có những vụ cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng, thậm chí là giết người đã xảy ra khi nạn nhân lên tiếng góp ý về việc karaoke gây ồn ào, huyên náo.
Ở Việt Nam, theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn, đối với các khu vực cụ thể (khu vực từ hàng rào của trung tâm chăm sóc sức khỏe, thư viện, nhà trẻ, trường học, nhà thờ, đền thờ, chùa chiền và khu vực có các quy tắc cụ thể khác), âm thanh được cho phép từ 6h – 21h là 55dB; từ 21h hôm trước đến 6h hôm sau là 45dB.
Đối với các khu vực thông thường (tòa nhà chung cư, nhà trong hẻm, khu nghỉ dưỡng, nhà nghỉ, văn phòng hành chính…), âm thanh được cho phép từ 6h – 21h là 70dB và từ 21h – 6h sáng ngày hôm sau là 55dB.
Tuy nhiên từ quy định tới hành động thực tế là một khoảng cách – dẫu rằng biện pháp chế tài pháp lý không thiếu.
Cần xem tiếng ồn là mối đe dọa đến cộng đồng
Theo Nghị định 45 (năm 2022), hành vi vi phạm quy định về tiếng ồn trong khu dân cư thì tùy theo mức độ dB vượt quá quy chuẩn có thể bị phạt tiền thấp nhất là 1 triệu đồng, cao nhất là 160 triệu đồng.
Còn theo Nghị định 144 (năm 2021), hành vi gây ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 6h ngày hôm sau sẽ phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Đối với xe ô tô, hành vi sử dụng còi trong thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau trong khu đông dân cư, khu vực cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẽ bị phạt 400.000 đến 600.000 đồng theo Nghị định số 168 (năm 2024).
Như vậy có thể thấy chế tài xử phạt đối với hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn ở nước ta rất đa dạng, và dễ dàng trở thành công cụ để xử lý các vi phạm.
Thế nhưng theo thống kê của cơ quan chức năng, các quyết định xử phạt vi phạm hành chính về tiếng ồn chiếm tỉ lệ rất ít nếu so với các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực khác như giao thông, xây dựng, thuế…
Ngay sau khi chính quyền hai cấp đi vào hoạt động, Chủ tịch UBND TP Huế Nguyễn Văn Phương đã có chỉ thị yêu cầu lãnh đạo chính quyền các xã, phường phải gấp rút xây dựng khung giờ yên tĩnh, giải quyết vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn. Tuy chỉ mới là bước đầu, nhưng biện pháp này được nhiều ý kiến ủng hộ.
Về mặt pháp lý, quy định pháp luật về tiếng ồn đã có. Quy định về xử phạt cũng đã có. Vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện như thế nào để “khung giờ yên tĩnh” thực sự trở thành hiện thực, chứ không lửng lơ trên giấy.
Nếu được như vậy, không riêng gì TP Huế, quy định hợp lý này rất có thể được nhân rộng tại các địa phương khác.
So với mức tiền phạt tại một số quốc gia, mức tiền phạt tối đa của nước ta (đối với hành vi vi phạm về tiếng ồn) không phải là thấp. Vấn đề là chúng ta chưa triển khai đồng bộ các giải pháp để đưa pháp luật vào cuộc sống.
Có lẽ đến lúc phải đẩy mạnh các biện pháp quản lý tiếng ồn một cách nghiêm hơn. Để làm được điều này, việc giáo dục, phổ biến, nâng cao nhận thức nhằm thay đổi thói quen cho người dân là rất quan trọng.
Nhưng điều quan trọng hơn, chính quyền các cấp cần quan tâm đúng mức, xác định rõ tiếng ồn là mối đe dọa đến cộng đồng, chứ không phải là thói quen thường nhật.
Từ sự nhìn nhận đúng đắn đến hành động quyết liệt, lực lượng chức năng với vai trò thực thi pháp luật cần tăng cường xử lý nghiêm những hành vi vi phạm khi gây ô nhiễm tiếng ồn.
Các nước xử lý vi phạm tiếng bất kể ngày đêm
Tại Thụy Sĩ, vi phạm quy định về tiếng ồn có mức tiền phạt tối thiểu là 50 USD (hơn 1,1 triệu đồng) và tối đa lên đến 1.000 USD (hơn 23 triệu đồng). Tại Singapore, hành vi vi phạm quy định về tiếng ồn có thể bị phạt tối đa lên đến 2.000 USD (hơn 46 triệu đồng).
Theo đó khi có tin báo tới đường dây nóng về vi phạm tiếng ồn, lực lượng chức năng sẽ kịp thời có mặt để giải quyết bất kể ngày đêm.