
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị – Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, ngày 10-7, tại cuộc gặp, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khẳng định tầm quan trọng hàng đầu của quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong chính sách đối ngoại của mỗi nước.
Ưu tiên cao trong hợp tác kết nối đường sắt
Hai bên nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường phối hợp, triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao để tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước không ngừng phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững.
Trên cơ sở đó, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi, phối hợp tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại quan trọng từ nay đến cuối năm 2025, thúc đẩy triển khai hiệu quả các cơ chế đối thoại, hợp tác.
Tiếp tục cụ thể hóa một cách có hiệu quả các thỏa thuận đã đạt được trên các lĩnh vực cụ thể, trọng tâm là thúc đẩy kết nối chiến lược về giao thông, dành ưu tiên cao trong hợp tác kết nối đường sắt; nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhóm công tác trên các lĩnh vực và thúc đẩy hợp tác về đổi mới sáng tạo; phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới và xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác.
Về vấn đề trên biển, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước; thực hiện đầy đủ, toàn diện, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); cùng các nước ASEAN thúc đẩy đàm phán, sớm đạt văn bản Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn gặp Bộ trưởng Ngoại giao Úc Penny Wong – Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO
Tại cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Úc Penny Wong, hai bên bày tỏ hài lòng về sự phát triển của quan hệ, nhất trí phối hợp chuẩn bị tốt cho các chuyến thăm cấp cao sắp tới.
Phó thủ tướng đề nghị hai nước cần tích cực triển khai MOU về lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, trao đổi hướng tới ký MOU về kinh tế số; Úc sớm gia tăng hạn ngạch, mở rộng cơ hội cho các lao động Việt Nam tay nghề cao trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, dịch vụ du lịch và IT, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên Việt Nam tới học tập.
Bộ trưởng Penny Wong khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng của Úc tại khu vực, nhất trí tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật với Việt Nam về chuyển đổi xanh, xây dựng thị trường carbon số hóa và công nghệ mới nổi.
Tại cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Algeria Ahmed Attaf, hai bên nhất trí thúc đẩy trao đổi đoàn, thúc đẩy các dự án hợp tác trên các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm như dầu khí, thương mại, xây dựng, khai khoáng, dược phẩm, công nghiệp Halal, nông nghiệp…
Thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa ASEAN với các đối tác

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự các Hội nghị Bộ trưởng ASEAN+1 – Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO
Chiều ngày 10-7, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác Mekong – Nhật Bản lần thứ 16 và dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng ASEAN+1 với các đối tác Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Mỹ và Hội nghị Bộ trưởng ASEAN+3 (với Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc).
Phát biểu tại các hội nghị bộ trưởng ASEAN+1 và ASEAN+3, Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa ASEAN với các đối tác.
Ông đề nghị các đối tác cùng ASEAN sớm nâng cấp các hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản, Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc, đẩy mạnh hỗ trợ triển khai các sáng kiến mới như Hiệp định khung kinh tế số ASEAN, Mạng lưới điện ASEAN.
Việt Nam cũng đề nghị xem xét khả năng thiết lập thỏa thuận năng lượng ở khu vực, hướng tới bảo đảm an ninh năng lượng bền vững và chuyển đổi năng lượng công bằng.
Đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác Mekong – Nhật Bản lần thứ 16, Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn đề nghị hợp tác triển khai theo tư duy mới, phương thức mới, cách tiếp cận mới nhằm xây dựng cơ chế MJC sáng tạo và thích ứng.
Ông đề xuất 3 lĩnh vực ưu tiên gồm: Tăng cường kết nối hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, triển khai các sáng kiến thương mại xuyên biên giới; Tăng tốc số hóa, đổi mới sáng tạo, phát triển các trung tâm số và ứng dụng công nghệ xanh; Tăng các giải pháp liên ngành để giải quyết các thách thức về an ninh lương thực – nước – năng lượng, đầu tư và chuyển giao công nghệ để phát triển năng lượng tái tạo.
Các nước thành viên hoan nghênh sáng kiến của Phó thủ tướng về tổ chức định kỳ Diễn đàn doanh nghiệp Mekong – Nhật Bản. Kết thúc hội nghị, Việt Nam và Nhật Bản ra tuyên bố đồng chủ tịch.