Thuế TP.HCM kiến nghị loạt giải pháp chuyển hộ khoán thuế sang kê khai

Thuế TP.HCM kiến nghị loạt giải pháp chuyển hộ khoán thuế sang kê khai

bởi

trong

Theo thông tin được Cục Thuế (Bộ Tài chính) công bố tại Hội nghị điển hình tiên tiến và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 chiều 10.7, 6 tháng đầu năm, có 145.929 cơ sở kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Thuế TP.HCM kiến nghị loạt giải pháp chuyển hộ khoán thuế sang kê khai

Trưởng Thuế TP.HCM Đoàn Minh Dũng phát biểu tại hội nghị

ẢNH: ĐT

Trong đó, có 45.247 hộ kinh doanh theo phương pháp khoán có doanh thu từ 1 tỉ đồng/năm trở lên đã áp dụng, cơ bản hoàn thành theo quy định tại Nghị định 70/2025/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ.

Từ góc độ địa phương, Trưởng Thuế TP.HCM Đoàn Minh Dũng thông tin, Thuế TP.HCM hoàn thành triển khai cho hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trước 5 ngày so với mốc 1.6 (thời điểm Nghị định 70/2025/NĐ-CP có hiệu lực – PV) .

Tính đến ngày 30.6, Thuế TP.HCM đã hoàn thành triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền cho 18.370 hộ kinh doanh (đạt 107% so với chỉ tiêu được giao).

Cạnh đó, toàn bộ hộ kinh doanh theo đối tượng triển khai trên địa bàn đã được hỗ trợ tiếp cận giải pháp máy tính tiền, sử dụng hóa đơn điện tử đúng quy định, tạo nền tảng thuận lợi để tiến tới chuyển đổi hộ khoán sang hộ kê khai, doanh nghiệp từ ngày 1.1.2026.

“Trong quá trình làm việc với các đơn vị cung cấp giải pháp máy tính tiền, cơ quan thuế nắm bắt được các hộ kinh doanh đã sử dụng giải pháp máy tính tiền từ danh sách khách hàng của nhà cung cấp.

Từ đó, cơ quan thuế tập trung triển khai ngay giải pháp hóa đơn điện tử cho hộ kinh doanh. Đồng thời, phân loại các hộ kinh doanh chưa sử dụng máy tính tiền để có giải pháp triển khai phù hợp với các hộ kinh doanh này.

Ngay trong tháng 4, sau khi roát số lượng hộ kinh doanh phải triển khai, Thuế TP.HCM đã giao chỉ tiêu cụ thể đến các đội thuế, các đội thuế thực hiện giao chỉ tiêu đến từng tổ, công chức quản lý”, ông Dũng lý giải.

Xây dựng lộ trình chuyển hộ khoán sang kê khai linh hoạt

Theo bà Nguyễn Thị Thu, Trưởng ban Nghiệp vụ thuế (Cục Thuế), tổng số hộ kinh doanh đang hoạt động là 2,072 triệu hộ, tăng 8% so với tháng 12.2024 và tăng 3% so với tháng 5.2025.

Thuế TP.HCM kiến nghị loạt giải pháp chuyển hộ khoán thuế sang kê khai- Ảnh 2.

Từ năm sau sẽ xóa bỏ hình thức thuế khoán với hộ kinh doanh

ẢNH: ĐT

Trong 6 tháng đầu năm nay, có 13.699 hộ kinh doanh nộp thuế khoán chuyển đổi sang nộp thuế theo phương pháp kê khai; có 1.474 hộ kinh doanh (riêng tháng 6 có 910 hộ kinh doanh) chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp.

Từ năm sau sẽ xóa bỏ hình thức thuế khoán, nghĩa là toàn bộ hộ kinh doanh sẽ phải chuyển sang kê khai thuế hoặc chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp.

Thuế TP.HCM kiến nghị Cục Thuế xây dựng lộ trình chuyển đổi linh hoạt, phù hợp từng nhóm đối tượng, đặc biệt là hộ kinh doanh lâu năm, chủ hộ lớn tuổi, hộ có doanh thu thấp.

Cạnh đó, đơn giản hóa chế độ kế toán cho hộ kinh doanh (sửa đổi Thông tư 88/2021/TT-BTC của Bộ Tài Chính); nhanh chóng xây dựng và triển khai các phần mềm miễn phí hỗ trợ chuyển đổi số cho hộ kinh doanh.

Ngoài ra, nâng cấp tính năng “thông tin xuất hóa đơn theo dạng mã vạch” trên eTax Mobile, giúp người mua hàng nhanh chóng cung cấp thông tin cho người bán hàng hàng thông qua giải pháp quét mã vạch để lấy thông tin xuất hóa đơn của các nhà cung cấp giải pháp.

Đáng chú ý, Trưởng Thuế TP.HCM kiến nghị Cục Thuế cho phép đơn vị này chủ động xây dựng đề án trình UBND TP.HCM để chuyển đổi hộ khoán lên hộ kê khai, doanh nghiệp, thực hiện trong quý 3 và quý 4 tới.

Theo Cục Thuế, 6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý ước đạt 1,18 triệu tỉ đồng, bằng 68,7% so với dự toán pháp lệnh, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước.

Đánh giá kết quả thu 6 tháng đầu năm theo 34 tỉnh, thành phố mới (đi vào vận hành từ ngày 1.7), có 31/34 tỉnh, thành phố có tiến độ thực hiện thu đạt khá (trên 55% dự toán) như: Hưng Yên, Hà Tĩnh, Cao Bằng, Nghệ An, Tây Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Phú Thọ, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Ninh Bình, Điện Biên, Đồng Nai…; có 33/34 địa phương tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả thu thuế từ các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và kinh tế số khác là 98.000 tỉ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2024.

Việc siết chặt khâu kê khai, tăng cường quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử, trên nền tảng số, cải tiến quy trình hoàn thuế và triển khai các chuyên đề chống thất thu góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu thất thoát ngân sách nhà nước.