Sự cố xảy ra trên chuyến tàu chở khách mang số hiệu K1373 va chạm với tàu chở hàng vào tối 2/7 khiến tàu phải dừng lại trên đường tới thành phố Kim Hoa thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.
Tàu hỏa tắt điều hòa 3 tiếng, khách bức xúc lấy búa đập vỡ cửa sổ vì nóng (Nguồn video: SCMP).
Đây là tuyến tàu thuộc Tập đoàn Đường sắt Thượng Hải. Vụ va chạm khiến toa đầu của tàu chở khách bị trật bánh nhưng may mắn không xảy ra thương vong.
Ngay sau đó, cơ quan chức năng đường sắt khẩn trương xử lý sự cố và tổ chức chuyển tải hành khách. Tuy nhiên, điều hòa trên tàu hỏa bị tắt sau khi va chạm xảy ra, khiến hành khách trên tàu bị khó chịu và xảy ra tình trạng bức xúc.
Ông Lý, một hành khách cho biết, thời điểm tàu bị dừng lại chỉ cách nhà ga Kim Hoa khoảng 10km. Hệ thống điều hòa dừng lại, đèn chiếu sáng chỉ còn một nửa. Không khí trở nên oi nóng và ngột ngạt dù thời điểm này khoảng 21h.
Nhiều vị khách phàn nàn vì nóng nhưng nhân viên từ chối mở cửa toa tàu. Khách chỉ được phát nước miễn phí. Tới 22h, một hành khách nam ở khoang số 3 quyết định dùng búa đập vỡ cửa sổ để thông gió.

Dù nhân viên tàu can ngăn nhưng vị khách vẫn tiếp tục đập cửa, giữa tiếng hò reo ủng hộ của nhiều người xung quanh.
“Ngay khi cửa sổ bị đập vỡ, không khí thoáng mát từ bên ngoài ùa vào khiến mọi người đều dễ chịu hơn”, một hành khách tiết lộ.
Hơn 23h, hệ thống điều hòa mới hoạt động trở lại. Tàu tới nhà ga Kim Hoa, nhân viên ngành đường sắt phải sửa chữa cửa sổ bị đập vỡ, trong khi vị khách nam bị cảnh sát khiển trách phê bình.
Ngày 5/7, đơn vị vận hành toa tàu chính thức lên tiếng về sự việc. Theo đại diện đơn vị, sự cố được xử lý khẩn cấp. Toa tàu được thay đầu máy mới và tiếp tục hành trình. Tuy nhiên vụ việc đã gây ra tình trạng trễ chuyến với một số đoàn tàu khác. Ngành đường sắt gửi lời xin lỗi hành khách vì những bất tiện ngoài ý muốn.
Tuy nhiên một lần nữa, câu chuyện này trở thành chủ đề nóng được mạng xã hội Trung Quốc bàn luận sôi nổi về việc hành vi đập vỡ cửa sổ tàu của hành khách là đúng hay sai, liệu có bị truy cứu trước pháp luật hay không.
Theo luật sư Phó Kiến, Trưởng văn phòng luật tại tỉnh Chiết Giang, căn cứ vào điều 182 Bộ luật Dân sự Trung Quốc, nếu thiệt hại phát sinh do hành vi phòng vệ khẩn cấp thì người gây ra tình huống nguy hiểm phải chịu trách nhiệm dân sự.
Nếu nguy cơ đến từ nguyên nhân tự nhiên, người thực hiện hành vi phòng vệ khẩn cấp không phải chịu trách nhiệm dân sự và có thể được bồi thường pháp lý.
Phòng vệ khẩn cấp là hành vi bắt buộc nhằm bảo vệ lợi ích công cộng, tính mạng, sức khỏe và các quyền lợi hợp pháp khác của bản thân hoặc người khác, bằng cách gây ra thiệt hại nhỏ hơn để ngăn chặn nguy cơ đang xảy ra, qua đó bảo vệ lợi ích lớn hơn.
Cũng theo luật sư, sự cố va chạm khiến tàu K1373 bị trật bánh và dừng lại trong điều kiện không có điều hòa nhiệt độ. Không khí trong toa ngột ngạt, nóng bức nghiêm trọng, đe dọa sức khỏe, thậm chí ảnh hưởng tính mạng hành khách do nguy cơ say nắng, mất nước.
Dù hành vi đập vỡ cửa kính tàu gây thiệt hại tài sản, nhưng xét trên cán cân lợi ích, nếu không gây ra hiệu quả nghiêm trọng thì mức độ thiệt hại là nhỏ. Do vậy, hành động của hành khách có thể được coi là phòng vệ khẩn cấp và nhìn chung không phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Tuy nhiên, vị luật sư cũng lưu ý, khi gặp sự cố, các nhân viên đường sắt nên khẩn trương cung cấp đồ uống, mở thông gió từ các toa khác, cải thiện tình trạng nóng bức. Nếu nhân viên tàu đã nỗ lực hỗ trợ, nhưng hành khách vẫn cố tình đập vỡ cửa kính thì phải chịu trách nhiệm dân sự về hành vi gây hư hại.