“Van an toàn” tín dụng và nhu cầu phát triển

“Van an toàn” tín dụng và nhu cầu phát triển

bởi

trong

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương về phát triển kinh tế – xã hội diễn ra hôm 3/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sớm gỡ bỏ công cụ hành chính trong điều hành tín dụng qua giao chỉ tiêu hạn mức cho từng đơn vị (bỏ “room” tín dụng). Tại Công điện 104 ngày 6/7, Thủ tướng một lần nữa giao “đề bài” cho NHNN tiến tới năm 2026 điều hành tăng trưởng tín dụng theo công cụ thị trường và bỏ hạn ngạch.

Về vấn đề này, nói trong buổi họp báo thường kỳ quý II của NHNN hôm 8/7, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, khẳng định: “Thời gian tới, NHNN định hướng sẽ tiến đến gỡ bỏ hoàn toàn công cụ này, nhưng sẽ theo lộ trình được tính toán kỹ”. Bước đầu, NHNN đã gỡ bỏ “room” tín dụng đối với các ngân hàng nước ngoài và tổ chức tín dụng phi ngân hàng và hiện chỉ còn áp dụng với nhóm ngân hàng thương mại trong nước.

“Room” tín dụng hay hạn mức tín dụng là giới hạn tối đa mà một ngân hàng được phép cho vay trong khoảng thời gian nhất định, do NHNN quy định. Công cụ này đã được cơ quan quản lý ngành ngân hàng áp dụng 14 năm qua (từ năm 2011) nhằm kiểm soát lượng tiền cung ứng ra thị trường thông qua hoạt động cho vay, từ đó hạn chế rủi ro và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

“Van an toàn” tín dụng và nhu cầu phát triển

Hoạt động giao dịch tại phòng giao dịch của một ngân hàng trong nước (Ảnh: Tiến Tuấn).

Công cụ này được thiết kế như một “van an toàn” bảo vệ hệ thống ngân hàng sau giai đoạn nới lỏng tiền tệ 2007-2011. Giai đoạn trên, tín dụng tăng trưởng quá “nóng”, có năm kỷ lục 53%, đẩy lạm phát lên cao và gây ra hàng loạt bất ổn, đặt ra yêu cầu phải đặt hạn mức tín dụng cho từng ngân hàng. Theo đó, công cụ “room” tín dụng đã làm tốt vai trò và đóng góp hiệu quả cho công cuộc “bình ổn” thị trường tiền tệ cũng như ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, như đại diện NHNN nhận xét, không giải pháp nào là vĩnh viễn. Sau khi “room” tín dụng được áp dụng suốt hơn một thập kỷ, việc chuyển từ công cụ trên sang điều hành theo cơ chế thị trường là tất yếu, cũng phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế và phát triển thị trường tài chính. Thực tế là những năm gần đây, nhiều lần việc “gỡ room” đã được đưa ra thảo luận và cơ quan điều hành “nâng lên đặt xuống”.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp và nhiều ngân hàng, việc dỡ bỏ hạn mức tín dụng trước mắt là một tin tích cực. Ngân hàng sẽ được trao quyền tự chủ, linh hoạt phân bổ vốn dựa trên nhu cầu thị trường và năng lực quản trị rủi ro, còn doanh nghiệp bớt đi nỗi lo “cụt vốn”, bị động về vốn vay do ngân hàng “hết room” tín dụng. Khi không còn phụ thuộc vào hạn mức tín dụng được cấp, môi trường tài chính cũng công bằng hơn, giảm đáng kể cơ chế “xin-cho” giữa ngân hàng thương mại với NHNN và giữa khách hàng với ngân hàng.

Tất nhiên để bỏ hoàn toàn công cụ hạn mức tín dụng thì sẽ cần có lộ trình, ít nhất là phải sang năm sau như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và trong điều kiện ngành ngân hàng đã chuẩn bị kỹ lưỡng.

Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, khó khăn của hệ thống tín dụng còn tồn tại và nếu gỡ bỏ công cụ hành chính này, NHNN sẽ cần phải đánh giá cẩn trọng các tác động vĩ mô để tìm giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam mà vẫn ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát.

So với tình trạng lạm phát tới 2 con số như giai đoạn trước (năm 2011 lên tới 18,13%) thì hiện tại, mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã được kéo xuống mạnh, những năm gần đây thường ổn định duy trì dưới 4%, luôn đạt mục tiêu Quốc hội giao. Đây là yếu tố quan trọng ủng hộ chính sách bỏ hạn mức tín dụng. Song, lạm phát ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống của người dân và một khi bùng lên cũng sẽ rất nhanh, do đó, sự thận trọng của NHNN những năm vừa qua là dễ hiểu.

Nhiều chuyên gia cho biết, ở các nước phát triển, tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào chính sách tài khóa còn chính sách tiền tệ tập trung vào nhiệm vụ kiểm soát lạm phát. Bởi vậy, khi bỏ hạn mức tín dụng và vận hành theo cơ chế thị trường thì chính sách tiền tệ của Việt Nam cũng sẽ cần ưu tiên mục tiêu kiểm soát lạm phát, điều này cũng phù hợp với định hướng tăng trưởng bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Lúc này, cơ quan điều hành cần sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, lãi suất, tái cấp vốn, tỷ giá… để kiểm soát thị trường.

Thực tế, tín dụng cung ứng ra nền kinh tế trong nửa đầu năm nay rất mạnh mẽ. Tính đến ngày 30/6, tín dụng toàn nền kinh tế đã vượt mốc 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, hệ thống ngân hàng đã bơm ra thị trường gần 1,55 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng, tốc độ tăng tín dụng đạt 19,32% so với cùng kỳ và là mức cao nhất kể từ năm 2023.

Trong bối cảnh kinh tế quay trở lại guồng tăng trưởng cao, nhu cầu tín dụng sẽ lớn. Tuy vậy, bài toán đặt ra là làm sao để nắn luồng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh thay vì tập trung vào bất động sản và các lĩnh vực rủi ro cao, mang tính đầu cơ đơn thuần.

Bởi vậy, đi kèm với tăng trưởng tín dụng là đảm bảo chất lượng tín dụng, tránh bùng phát nợ xấu. Điều này đòi hỏi, khi bỏ hạn mức tín dụng, các ngân hàng thương mại phải có kỷ luật thị trường cao, đạt các chuẩn mực quốc tế về quản trị rủi ro, có cơ chế giám sát nội bộ chặt chẽ, và phải tránh tình trạng chạy đua lãi suất và cho vay dễ dãi.

Nếu các ngân hàng bị cuốn vào cuộc đua tăng trưởng tín dụng để tối đa hóa lợi nhuận, dẫn đến hạ thấp tiêu chuẩn, mở rộng cho vay vào các lĩnh vực rủi ro cao thì những hệ lụy có thể đến rất nhanh. Do vậy, trong chỉ đạo, Thủ tướng cũng nêu rất rõ, việc bỏ room tín dụng phải đi kèm với yêu cầu xây dựng bộ tiêu chí kiểm soát an toàn tín dụng.

“Đặc trưng” của thị trường tài chính Việt Nam là sự lệ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng mới đây cho biết, tổng dư nợ tín dụng/GDP cuối năm 2024 là 134%. Muốn giảm rủi ro cho nền kinh tế khi bỏ hạn mức tín dụng buộc phải phát huy tốt các kênh dẫn vốn khác như thị trường chứng khoán (thị trường vốn); thị trường trái phiếu doanh nghiệp (thị trường nợ).

Và như vậy có thể thấy, bỏ “room” tín dụng, chuyển từ quản lý hành chính sang cơ chế thị trường là tất yếu, nhưng cũng sẽ còn nhiều việc phải làm, phải chuẩn bị kỹ lưỡng để đạt mục tiêu đưa kinh tế tăng trưởng nhanh và vẫn đảm bảo tăng trưởng bền vững, vĩ mô ổn định.

Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog – Tâm điểm từ năm 2016.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!