Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 31, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An sáng 10/7, công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng được các đại biểu chất vấn lãnh đạo Sở Công Thương Nghệ An.
Ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An, thừa nhận tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng còn nhiều dù các cơ quan chức năng đã làm rất quyết liệt, xử lý mạnh tay.

Ông Phạm Văn Hóa (người đứng), Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An (Ảnh: Hoàng Lam).
Ông Hóa cũng phân tích các nguyên nhân dẫn tới hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn có đất sống, thậm chí là sống khỏe, trong đó nhấn mạnh ý thức của người tiêu dùng. Không chỉ có người thu nhập thấp mà người có thu nhập trung bình trở lên vẫn có thị hiếu dùng hàng giả, hàng nhái vì rẻ và đẹp.
Ông Hóa cho rằng, trong cuộc chiến chống hàng giả, bên cạnh nỗ lực, quyết tâm của các cấp, ngành, người tiêu dùng cần tỉnh táo và thông thái trong lựa chọn sản phẩm.
Phản hồi nhận định của ông Giám đốc Sở Công Thương, đại biểu Quế Thị Trâm Ngọc cho rằng hiện nay nhãn mác giả rất tinh vi, nhìn như thật, người tiêu dùng rất khó phân biệt được hàng thật, hàng giả. Nữ đại biểu cũng đề nghị ông Hóa có hướng dẫn cụ thể cách nhận biết sản phẩm thật giả, để người dân có thể là “người tiêu dùng thông minh”.
Ông Hóa cho rằng, không chỉ nhãn mác giả nhìn như thật mà trên thực tế, có tình trạng “nhãn thật nhưng ruột giả”. Để xảy ra tình trạng này, theo ông Hóa, trách nhiệm trước hết là “anh” dán nhãn, cần làm rõ nhãn thật ở đâu để sử dụng, dán cho hàng giả, hay đăng ký nhãn thật nhưng lại sản xuất hàng giả.
Xử lý tình trạng này, theo ông, ngoài trách nhiệm của ngành công thương, còn cần có sự phối hợp chặt chẽ của ngành công an và ngành khoa học công nghệ (đơn vị cấp phép nhãn mác), cùng với đó hình sự hóa đối với hành vi này.

Đại biểu đặt câu hỏi cho lãnh đạo ngành công thương về đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng (Ảnh: Hoàng Lam).
Giám đốc Sở Công Thương cũng nêu ra nhiều khó khăn đối với công tác đấu tranh chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái. Trong đó, việc đấu tranh, xử lý dàn trải là nguyên nhân quan trọng được đề cập tới.
“Đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái dàn trải giống như cuốc cỏ dại trong vườn, cuốc đến cuối vườn thì đầu vườn cỏ đã mọc um tùm. Phải đấu tranh có trọng tâm trọng điểm, trước mắt là thuốc giả và thực phẩm chức năng giả”, ông Hóa phát biểu.
Công tác tuyên truyền chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, theo người đứng đầu ngành công thương Nghệ An là chưa sâu rộng và chưa phát huy hiệu quả.
Theo ông, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của người dân trong đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng.
“Người dân đang đứng ngoài cuộc thì cuộc chiến này chưa thể thành công…”, ông Hóa nhận định.
Khó khăn nữa được nhắc đến chính là công tác kiểm nghiệm sản phẩm, trong khi đó, đây là cách duy nhất để xác định chính xác về chất lượng sản phẩm bị nghi ngờ.
Thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Nghệ An chưa có trung tâm kiểm nghiệm, phải gửi mẫu ra các cơ sở tại Hà Nội hoặc TPHCM. Bên cạnh đó, nếu sản phẩm không phải hàng giả, cơ quan chức năng phải thanh toán toàn bộ chi phí kiểm nghiệm.
Tại phiên chất vấn, Giám đốc Sở Công Thương cũng đã nêu các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của người tiêu dùng.
Theo ông Hóa, người tiêu dùng cần tỉnh táo bởi lực lượng chức năng với nhân lực hiện tại chỉ có thể hạn chế chứ không thể kiểm soát chặt thị trường.