Thầy dạy lái xe chỉ biết hô ‘vào số một, nhả côn, lên số’ rồi chửi tục

Thầy dạy lái xe chỉ biết hô ‘vào số một, nhả côn, lên số’ rồi chửi tục

bởi

trong
Thầy dạy lái xe chỉ biết hô ‘vào số một, nhả côn, lên số’ rồi chửi tục

Trung tâm cam kết hướng dẫn tận tình, cầm tay chỉ việc nhưng khi tôi làm xe chết máy là nhận lại một tràng chửi tục.

Là một người đang học lái xe tại một trường nghề, tuy cũng đã vượt qua hết quá trình chạy DAT (thực hiện các buổi thực hành lái xe có giám sát bằng hệ thống DAT – thiết bị giám sát thời gian và quãng đường), tôi vẫn cảm thấy bức xúc với chính người thầy dạy lái của mình.

Đầu tiên cần giới thiệu rằng, tôi chưa từng chạm tay vào vô lăng lần nào trước khi học lái xe. Với các kỹ năng lái ôtô, tôi hoàn toàn không nắm được các quy tắc về số, cũng như không có cảm giác về căn vạch làn đường, hay bẻ lái qua vòng xuyến, góc cua.

Khi trình bày với Trung tâm đào tạo nghề, họ cam kết là giáo viên sẽ hỗ trợ tận tình theo hình thức cầm tay chỉ việc, sẽ hướng dẫn từ những kỹ năng nhỏ nhất, đảm bảo sau khi học sẽ tự tin cầm vô lăng.

Nhưng khi học xong khóa lý thuyết và hướng dẫn chung về “số nóng, số nguội”, mọi thứ như sụp đổ. Tôi lên xe, thầy chỉ nói những hiệu lệnh kiểu “vào số 1”, “nhả côn”, “lên số”.

Khi gặp vòng xuyến, tôi hoàn toàn không biết đi số nào là phù hợp, hoặc khi dừng xe cũng không biết phải đạp côn hay đạp phanh trước, hoặc khi dừng đèn đỏ thì nên làm gì.

Mỗi lần như vậy, xe đều chết máy và kèm theo đó là một tràng chửi tục. Bạn đồng hành của tôi trong buổi học cũng tình trạng tương tự. Đôi lúc tôi tự hỏi, việc tôi đóng học phí để học kỹ năng lái xe hay để nghe chửi?

Tôi nhận ra, người thầy dạy lái tôi hoàn toàn không có bất kỳ một kỹ năng sư phạm nào, từ hướng dẫn, chỉ dạy đến tạo động lực cho học viên. Dường như thầy lên xe chỉ có một nhiệm vụ là đạp phanh phụ mỗi khi có nguy cơ xảy ra sự cố, và ép học viên chạy cho đủ quãng đường và thời gian của DAT.

Buổi học luôn diễn ra trong không khí căng thẳng và ngột ngạt, cũng như cảm giác bất lực của học viên.

Vì tiếc số tiền đã bỏ ra, cũng như để giảm sự căng thẳng vào mỗi buổi học cuối tuần, tôi đành lên mạng xem các video hướng dẫn lái của các trung tâm khác.

Một số giáo viên họ hướng dẫn rất kỹ xem với vòng xuyến lớn thì nên về số nào, vòng xuyến nhỏ nên về số nào, đường đông người thì nên về số nào, cũng như các kỹ năng để đánh lái sao cho phù hợp đối với đường hẹp…

Sau đó, tôi xin một người quen đi xe số sàn ngồi bên ghế phụ, để quan sát anh chạy thực tế. Nhờ việc bỏ ra thêm một lượng lớn thời gian như vậy, các buổi học kế tiếp cũng suôn sẻ hơn, và thầy của tôi lên xe chỉ cần ngồi yên và đạp phanh phụ khi cần thiết.

Hiện tại tôi đã hoàn thành DAT, cũng đã tự tin hơn vào tay lái bản thân. Để chuẩn bị cho phần thi hình, tôi tiếp tục lên mạng xem các video hướng dẫn và không trông đợi nhiều vào thầy dạy lái.

Tuy nhiên, với quan điểm của tôi, thì việc thay đổi câu hỏi lý thuyết chống học mẹo, thi mẹo hay áp dụng công nghệ để đảm bảo học viên chạy đủ khoảng cách DAT là chưa đủ. Nếu ví như trong sản xuất, thì học viên là nguyên liệu đầu vào, câu hỏi thi, công nghệ… là quy trình chế biến, thì người thầy dạy lái chính là máy móc.

Để sản phẩm tốt, máy móc không thể yếu kém được. Muốn có tài xế kỹ năng cao, vững vàng tay lái sau khi có bằng, thì phải cải thiện ngay từ những người dạy, hướng dẫn thực hành.

Không thể để học viên chỉ như những con Zombie cầm vô lăng chạy cho đủ tiến trình, nhưng chính các thao tác cơ bản khi lái xe lại hoàn toàn không biết.

NCK