Thủ lĩnh sinh viên yêu cầu chính quyền Mỹ bồi thường 20 triệu USD

Thủ lĩnh sinh viên yêu cầu chính quyền Mỹ bồi thường 20 triệu USD

bởi

trong

Thủ lĩnh biểu tình phản chiến Khalil muốn được bồi thường 20 triệu USD cho hơn 100 ngày bị chính quyền liên bang Mỹ “giam giữ trái phép”.

Mahmoud Khalil, sinh viên 30 tuổi, là nhà hoạt động ủng hộ Palestine và từng tổ chức các cuộc biểu tình tại Đại học Columbia để phản đối chiến sự Hamas – Israel. Anh bị bắt hồi tháng 3 và được thẩm phán cho phép tại ngoại từ ngày 20/6, sau cuộc chiến pháp lý căng thẳng.

Các luật sư của Khalil ngày 10/7 thông báo đã đệ đơn đề nghị Bộ Ngoại giao và Bộ An ninh Nội địa Mỹ bồi thường 20 triệu USD cho những tổn thất anh phải chịu trong thời gian bị giam. Chính quyền liên bang sẽ có 6 tháng để phản hồi.





Thủ lĩnh sinh viên yêu cầu chính quyền Mỹ bồi thường 20 triệu USD

Mahmoud Khalil tại một cuộc biểu tình ở Manhattan, New York, Mỹ ngày 22/6. Ảnh: AFP

“Chính quyền đã tiến hành kế hoạch trái phép để bắt giam và trục xuất Khalil theo cách có tính toán, nhằm gieo rắc sợ hãi cho anh và gia đình. Khalil đã chịu đựng tổn thương tinh thần nghiêm trọng, khó khăn kinh tế và tổn hại danh tiếng”, Trung tâm Quyền Hiến định, tổ chức đang hỗ trợ Khalil, cho biết trong đơn.

Khalil gọi động thái này là bước đi đầu tiên để đòi lại công lý. “Không điều gì có thể bù đắp 104 ngày tôi đã mất. Những tổn thương tinh thần, xa cách vợ và khoảnh khắc chào đời của đứa con đầu lòng mà tôi bỏ lỡ”, Khalil tuyên bố.

Người phát ngôn Bộ An ninh Nội địa Mỹ gọi yêu cầu của Khalil là “lố bịch” và khẳng định chính quyền liên bang đã hành động trong thẩm quyền pháp lý khi bắt giam sinh viên này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng các cuộc biểu tình phản đối chiến sự Gaza là “hành vi bài Do Thái” và cam kết sẽ trục xuất các du học sinh tham gia. Khalil trở thành mục tiêu đầu tiên của chính sách này. Vụ bắt anh đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ từ các nhóm vì quyền dân sự và ủng hộ người Palestine.

Khalil là thường trú nhân hợp pháp và đã kết hôn với công dân Mỹ. Tuy nhiên, anh vẫn bị giới chức di trú nước này nhắm đến theo điều khoản hiếm được áp dụng trong luật nhập cư, cho phép Ngoại trưởng Mỹ trục xuất bất kỳ ai bị coi là có ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách đối ngoại của Washington.

Thẩm phán liên bang Michael Farbiarz ở bang New Jersey sau đó phán quyết chính quyền liên bang đã vi phạm quyền tự do ngôn luận của Khalil và cho phép anh tại ngoại trong thời gian đấu tranh với nỗ lực trục xuất.

Như Tâm (Theo Reuters, AFP)