
‘Bước vào lớp, tôi thấy hầu hết học sinh của mình đang cầm điện thoại thay vì sách vở, mất ba phút ổn định mới sẵn sàng để vào tiết’.
“Tôi là giáo viên THPT. Đầu tiết, bước vào lớp, tôi đã thấy hầu hết học sinh của mình đang cầm điện thoại thay vì sách vở. Sau ba phút ổn định, các em mới có đủ sách vở trên bàn, rồi vội vàng xem hôm trước học bài nào? Hết tiết, chuông vừa dứt là các em đã lăm lăm cầm điện thoại trên tay.
Có hôm, tôi ngồi nán lại lớp để làm việc, thấy cả 20 phút ra chơi hầu hết các học sinh đều cắm mặt vào chơi điện thoại, thỉnh thoảng mới có một vài em đi lại, nhưng không trò chuyện, không chơi đùa. Tất nhiên, học sinh nào lấy vở ra học bài thì đó là cá biệt của lớp. Nghĩ mà tôi vừa buồn, vừa thương, vừa bất lực”.
Đó là chia sẻ của độc giả về thực trạng học sinh sử dụng điện thoại khi trong trường học. Mới đây, TP HCM dự kiến , kể cả trong giờ ra chơi, trừ khi giáo viên cho phép, bắt đầu từ năm học 2025-2026. Tại Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng khuyến cáo các trường quản lý điện thoại của học sinh từng lớp trước tiết học đầu tiên và trả lại các em sau giờ tan học.
Ủng hộ quan điểm cấm học sinh dùng điện thoại ở trường, bạn đọc nhận định: “Không chỉ TP HCM, tôi đề nghị nghiên cứu và cấm học sinh sử dụng điện thoại trên phạm vi toàn quốc. Các em dùng điện thoại trên lớp, tối về lại ôm điện thoại ở nhà, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần, vừa gây thiếu tập trung lúc học tập. Đồng ý là các em có thể sử dụng điện thoại để hỗ trợ việc học, tra cứu thông tin nhưng nên làm việc đó vào buối tối, cuối tuần. Còn trên lớp, học sinh nên tập trung nghe giảng và tư duy độc lập, tránh phụ thuộc quá nhiều vào AI”.
“Làm sao có thể quản lý được việc các em làm gì trên điện thoại ở trường? Về cơ bản, điện thoại là phương tiện cá nhân, nội dung trên điện thoại thuộc về đời tư cá nhân và nhà trường không có thẩm quyền kiểm tra. Nếu phụ huynh muốn liên lạc với học sinh trong giờ học thì có thể liên hệ với giáo viên. Nên cấm học sinh sử dụng điện thoại ở trường là khả thi nhất, tránh những trường hợp xâm phạm vào bí mật đời tư của cá nhân được quy định trong hiến pháp”, độc giả nói thêm.
>>
Trong khi đó, với quan điểm trái chiều, bạn đọc đưa ra góc nhìn khác: “Trong môi trường giáo dục, thay vì cấm, tại sao không giáo dục cho học sinh biết cách dùng điện thoại đúng nơi, đúng chỗ? Chính việc thiếu giáo dục là nguyên nhân trong buổi họp hoặc những nơi cần tắt chuông thì nhiều người lớn vẫn vô tư mở chuông hoặc nhắn tin.
Con tôi hiện rất có ý thức cộng đồng do được giáo dục từ nhỏ. Nhà trường không chỉ là nơi tiếp thu kiến thức mà còn cần được dạy về nhân cách và nhiều kỹ năng cộng đồng nữa. Đã dạy được cho các em biết cách sử dụng bao cao su, quan hệ tình dục an toàn… thì tiếc gì vài tiết học trong giờ tin học hay GDCD để hướng dẫn các em biết ý thức cộng đồng trong việc dùng điện thoại?”.
Cùng chung suy nghĩ, độc giả bình luận: “Nhiều trường đã áp dụng hình thức quản lý thay vì cấm học sinh mang theo điện thoại di động. Khi đến lớp, học sinh được bỏ thiết bị vào tủ bảo quản, và cuối giờ có thể mang về và sử dụng để liên lạc với gia đình. Như vậy, học sinh vẫn có thiết bị để dùng trong trường hợp một số môn cần hướng dẫn, giảng dạy có kết nối thiết bị thông minh, hay liên lạc với phụ huynh trong trường hợp cấp bách.
Còn khi không cần đến, điện thoại của các em vẫn được quản lý để tránh gây xao nhãng và tăng kết nối bạn bè. Hình thức này rất hay vì toàn vẹn đôi đường, học sinh vừa có thiết bị khi cần, mà nhà trường vẫn quản lý được tần suất sử dụng điện thoại của trẻ trong giờ học”.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh có thể dùng điện thoại trong các tiết để phục vụ việc học tập, nếu được giáo viên cho phép. Các em không bị cấm dùng trong giờ ra chơi, giải lao.
Tuy nhiên, nghiên cứu của UNESCO ở 14 quốc gia cho thấy điện thoại thông minh khiến học sinh mất tập trung vào việc học. Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng học sinh có thể mất tới 20 phút để tập trung lại vào những gì đang học sau khi bị phân tâm vì sử dụng thiết bị này. Việc sử dụng điện thoại di động quá mức cũng tác động tiêu cực đến sự ổn định cảm xúc của trẻ em.
- Nơi thầy cô không bao giờ đưa điện thoại cho học trò
- ‘Học sinh Việt không cần dùng điện thoại trong lớp’
- Không nên cấm học sinh mang điện thoại tới lớp
- Thế hệ ‘cắm mặt’ vào điện thoại
- Nuôi con bằng điện thoại, fastfood
- Con tôi ‘ngáo mukbang’, mơ làm YouTuber ăn uống