3 cựu đại sứ Mỹ chia sẻ về 30 năm bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ

3 cựu đại sứ Mỹ chia sẻ về 30 năm bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ

bởi

trong
3 cựu đại sứ Mỹ chia sẻ về 30 năm bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ

Các đại sứ Mỹ tại Việt Nam qua các thời kỳ và Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng (thứ hai từ trái sang) – Ảnh: TTXVN

Năm 2025 đánh dấu tròn 30 năm ngày Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ (11-7-1995 – 11-7-2025 theo giờ Mỹ), tức 12-7-1995 – 12-7-2025 theo giờ Việt Nam.

Đây được xem là dấu mốc đặc biệt ý nghĩa trong quan hệ song phương, nhất là sau khi hai nước đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, mở ra một giai đoạn mới hợp tác sâu rộng, thực chất và hiệu quả hơn nữa, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

Vào một buổi sáng rực rỡ ánh nắng hè tại thủ đô Washington D.C, ba cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Michalak (2007 – 2011), Ted Osius (2014 – 2017) và Daniel Kritenbrink (2017 – 2021) đã tham dự tọa đàm kỷ niệm 30 năm ngày hai nước bình thường hóa quan hệ, thảo luận về mối quan hệ năng động và ngày càng phát triển giữa hai quốc gia từng ở hai bên chiến tuyến. 

Nền tảng cho quan hệ song phương

3 cựu đại sứ Mỹ chia sẻ về 30 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt hoa tại phù điêu tưởng niệm cố Thượng nghị sĩ John McCain ở hồ Trúc Bạch (Hà Nội) nhân chuyến công tác Việt Nam, công bố nâng cấp quan hệ Việt Nam – Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện hồi tháng 9-2023 – Ảnh: REUTERS

Theo cựu Đại sứ Kritenbrink, chính các hoạt động nhân đạo đã trở thành cầu nối đưa Việt Nam và Mỹ đến với quá trình bình thường hóa quan hệ, giúp hai nước bắt đầu đối thoại với nhau. Từ những vấn đề nhân đạo, hai nước đã bắt đầu xây dựng thiện chí.

Mỹ đã đầu tư một khoản ngân sách lớn để xử lý hậu quả chất độc màu da cam/dioxin. Với sự thúc đẩy của Thượng nghị sĩ Patrick Leahy và nhiều nghị sĩ khác, Mỹ đã tài trợ cho công tác rà phá bom mìn chưa nổ, cũng như hỗ trợ điều trị cho những người khuyết tật đang sinh sống tại 7 hoặc 8 tỉnh bị rải chất độc da cam nhiều nhất.

Ông Kritenbrink nhấn mạnh: “Tôi cho rằng những hoạt động đó đã góp phần xây dựng thiện chí to lớn. Trong thời gian làm Đại sứ và cả sau này, tôi đã gặp rất nhiều người bạn và quan chức Việt Nam nhắc đến điều đó”.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cho biết thường suy ngẫm về việc quan hệ Việt – Mỹ đã tiến xa như thế nào – từ một cuộc chiến tranh khốc liệt và đau thương cách đây 50 năm đến việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao và hiện nay là đối tác chiến lược toàn diện. 

Ông chia sẻ: “Tôi từng nói với Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam – ông Pete Peterson – rằng những gì chúng ta cùng đạt được là một phép màu. Nhưng ông ấy đã sửa lại: Không, đó là điều phi thường, không phải phép màu. 

Điều đó không phải là ngẫu nhiên, không phải là hành động của Thượng đế. Những gì chúng ta xây dựng được là kết quả của thiện chí, lòng can đảm và nỗ lực không ngừng nghỉ từ cả hai phía”.

Cựu Đại sứ Kritenbrink kể về một kỷ niệm gây cho ông nhiều ấn tượng tại Việt Nam: “Tôi nhớ khi Thượng nghị sĩ John McCain qua đời, tại Việt Nam, chúng tôi đã mở sổ tang để người dân Việt Nam đến chia buồn. Hàng nghìn người đã xếp hàng để ký sổ. 

Người đầu tiên trong hàng là một cựu chiến binh Việt Nam. Ông ấy đã yêu cầu gặp tôi vì muốn bắt tay tôi và nói trực tiếp rằng ông đến để bày tỏ sự ghi nhận đối với John McCain – một người lính từng chiến đấu chống lại Việt Nam, nhưng sau đó lại giúp dẫn dắt tiến trình hòa giải”. 

Kỷ niệm ấy củng cố lòng tin của ông rằng công cuộc hòa giải rất quan trọng và cần tiếp tục được duy trì.

Điểm sáng hợp tác giáo dục 

3 cựu đại sứ Mỹ chia sẻ về 30 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ - Ảnh 3.

Các cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam: Michael Michalak (trên màn hình), Ted Osius (thứ hai từ phải sang), Daniel Kritenbrink (ngoài cùng bên phải) cùng Đại sứ đương nhiệm Marc Knapper (từ năm 2022 đến nay, ngoài cùng bên trái) và Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng (thứ hai từ trái sang) – Ảnh: TTXVN

Đối với cựu Đại sứ Michael Michalak, giáo dục gần như là trọng tâm trong hành trình của ông ở Việt Nam. Trước khi sang Việt Nam nhận nhiệm vụ, ông đã đặt mục tiêu tăng gấp đôi số lượng sinh viên từ Việt Nam sang Mỹ học tập. 

Vào thời điểm ông rời Việt Nam, số lượng sinh viên Việt Nam sang Mỹ đã tăng gấp 3 và con số đó tiếp tục tăng. Tại Mỹ, Việt Nam là nguồn sinh viên lớn nhất từ ASEAN và là nguồn sinh viên lớn thứ 5 trên thế giới.

Theo cựu Đại sứ Michalak, mối quan hệ – đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo – đang được Việt Nam và Mỹ thúc đẩy thông qua quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, trong đó bao gồm nhiều nội dung then chốt liên quan đến hợp tác khoa học và công nghệ. 

Ông cho biết trong lễ kỷ niệm 1 năm hai nước nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, việc cung cấp đào tạo tiếng Anh cho sinh viên STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) và quan trọng hơn là thành lập Quỹ Công nghệ, An ninh và Đổi mới quốc tế (ITSE) đã được đề cập tới. 

Điều này tạo cơ sở để tiến tới hợp tác nhiều hơn nữa trong các lĩnh vực chất bán dẫn, khoáng sản quý hiếm, phối hợp chính sách, hệ thống mạng truy cập vô tuyến mở…

Cựu Đại sứ Michalak đã dẫn lại lời của Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định tiềm năng hợp tác của các đối tác Việt Nam và Mỹ trong lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) là vô cùng lớn và có nhiều ý nghĩa trong thời kỳ mới, đặc biệt là sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với hai trụ cột hợp tác đột phá là đổi mới sáng tạo và công nghiệp bán dẫn.

Đối tác thương mại hàng đầu

quan hệ Việt - Mỹ - Ảnh 5.

Tổng Bí thư Tô Lâm khi đó là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phát biểu tại lễ kỷ niệm một năm nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện ở New York vào ngày 22-9-2024 – Ảnh: TTXVN

Theo nhận định của cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius, quyết định quan trọng nhất là việc Đảng Cộng sản Việt Nam cách đây gần 40 năm quyết định về việc hội nhập nền kinh tế Việt Nam với kinh tế thế giới, tiến hành công cuộc Đổi mới năm 1986. 

Kể từ đó đến nay, bất chấp mọi thăng trầm, Việt Nam vẫn kiên định với con đường hội nhập quốc tế toàn diện. Đây chính là nền tảng cho mọi tiến bộ mà thế giới chứng kiến trong những năm sau đó.

Ông Osius cho rằng quyết định quan trọng thứ hai được phía Mỹ đưa ra vào giữa những năm 1990. Mỹ đã quyết định đàm phán một hiệp định thương mại song phương với Việt Nam, với nhận thức rằng điều đó sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). 

Trên thực tế, các điều khoản trong hiệp định thương mại song phương này đều được thiết kế nhằm giúp Việt Nam gia nhập WTO một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Theo ông, quá trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Mỹ từ năm 1995, tiếp theo là việc ký kết hiệp định thương mại song phương vào năm 2002 và Việt Nam gia nhập WTO không lâu sau đó đã góp phần tạo nền tảng cho nền kinh tế Việt Nam bứt phá mạnh mẽ.

Ông dẫn chứng rằng vào năm 1996, thời điểm ông lần đầu đến Việt Nam, kim ngạch thương mại song phương Việt – Mỹ chỉ ở mức vài trăm triệu USD. 

Tuy nhiên, đến nay con số này đã đạt khoảng 132 tỉ USD. Việt Nam đã chuyển mình từ một đối tác thương mại nhỏ trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ vào năm 2024. 

30 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ: Từ cựu thù đến đối tác chiến lược toàn diện - Ảnh 5.Chuyến đi góp phần mở lối quan hệ Việt – Mỹ

Tháng 8-1995, chỉ một tháng sau khi bình thường hóa quan hệ, Bí thư Trung ương Đảng Hồng Hà đã thực hiện chuyến thăm đầu tiên tới Mỹ – hành trình góp phần đặt nền móng cho mối quan hệ đặc biệt kéo dài ba thập kỷ.