Phim gia đình Hollywood thắng lớn

Phim gia đình Hollywood thắng lớn

bởi

trong
Phim gia đình Hollywood thắng lớn

A Minecraft Movie được xếp hạng PG, do Jared Hess (đạo diễn Napoleon Dynamite) cầm trịch, với chi phí sản xuất khoảng 150 triệu USD – Ảnh: Screen Rant

Hiện tại, những phim chiều lòng số đông như Sinners, Lilo & Stitch live-action và A Minecraft Movie đang góp phần hồi sinh phòng vé sau những tháng đầu năm ảm đạm. Theo Variety, doanh thu toàn ngành hiện tăng 15% so với năm 2024 – thời điểm mà Inside Out 2 Dune 2 gây sốt phòng vé.

Tuy nhiên Hollywood đừng vội ăn mừng. Con số ấy vẫn thấp hơn 26% so với năm 2019 – năm cuối cùng trước đại dịch, cho thấy cú sốc COVID-19 vẫn chưa xoa dịu hoàn toàn.

Thay vì cắt giảm chi phí, các hãng phim tiếp tục sản xuất những bom tấn có mức đầu tư ngày càng khủng, thường xuyên chạm ngưỡng hoặc vượt mốc 200 triệu USD. Điển hình là Thunderbolts hay Mission: Impossible – The Final Reckoning vẫn chật vật thu hồi vốn.

Thành công, một bom tấn có thể trở thành “cỗ máy hái ra tiền”, thu lợi khổng lồ từ doanh thu phòng vé, các sản phẩm ăn theo và bản quyền phát hành. Nhưng rủi ro tài chính cũng lớn chưa từng thấy khiến các hãng phim gần như không còn chỗ cho sai sót.

Khi năm 2025 đi được nửa chặng đường, sau đây là năm bài học lớn từ một mùa điện ảnh ngập tràn bom tấn nhưng cũng không ít cú trượt dài.

Phim gia đình là vua phòng vé

Tưởng đâu thời hoàng kim của những phim hoạt hình tràn ngập sắc màu mộng mơ đã trôi qua? Nhưng không, những phim thân thiện với gia đình đang dẫn đầu đường đua phòng vé.

A Minecraft Movie (954 triệu USD), Lilo & Stitch live-action (948 triệu USD) và Bí kíp luyện rồng live-action (hiện thu 519 triệu USD và còn tiếp tục tăng) là ba cái tên chống lưng cho sự hồi sinh của phim PG (phù hợp cho khán giả ở mọi độ tuổi, có thể chứa một số nội dung không phù hợp với trẻ em và khuyến khích phụ huynh hướng dẫn).

Hollywood - Ảnh 2.

Những phim dành cho mọi lứa tuổi đang chứng minh sự tinh tế, trong sáng nhưng vẫn đủ sức khuấy đảo rạp chiếu – Ảnh: Flicks

Theo thống kê từ Comscore, phim xếp loại PG mang về tổng cộng 1,72 tỉ USD kể từ đầu năm 2025, chiếm đến 41,5% doanh thu phòng vé toàn cầu – một con số đáng kể, nhất là khi trước đây các phim PG-13 (có phần gai góc hơn) mới là “ông hoàng” doanh thu.

Yếu tố làm nên thành công này chính là sự quen thuộc. Trong khi đó Elio – cuộc phiêu lưu ngoài không gian mới của Pixar – chỉ đạt 73 triệu USD vì thiếu sức hút thương hiệu. Tuy vậy các hãng phim giờ có thể an tâm rằng: không có lời thoại tục tĩu hay cảnh bạo lực không đồng nghĩa với việc đánh mất tiềm năng phòng vé.

Siêu anh hùng xuống dốc

Phải chăng kỷ nguyên của siêu anh hùng đang dần tàn lụi? Hollywood chắc chắn không muốn tin vào điều đó, thậm chí đang “cầu nguyện” điều ngược lại, nhất là khi SupermanFantastic Four: First Steps ra mắt trong tháng 7, trước khi Marvel tung thêm Spider-Man: Brand New Day cùng hai phần Avengers mới trong các năm 2026 và 2027.

Nhưng thực tế năm 2025 đã giáng cú tát lạnh lẽo: Captain America: Brave New World Thunderbolts, hai phim từ nhà Marvel, đều “ngã ngựa” thảm hại tại phòng vé.

Hollywood - Ảnh 3.

Đặc biệt, thất bại của Thunderbolts càng đáng nói hơn khi phim nhận nhiều đánh giá tích cực từ giới phê bình, nhưng vẫn kết thúc hành trình chiếu rạp với doanh thu thuộc hàng thấp nhất của vũ trụ điện ảnh Marvel – Ảnh: Screen Rant

Tờ Variety nhận định: “Ngày nay phim siêu anh hùng buộc phải hay thực sự mới kéo được khán giả đến rạp – điều từng không mấy quan trọng trong thời kỳ đỉnh cao của thể loại này. 

Hơn nữa cú “flop” của Thunderbolts còn gợi ý một giới hạn mới: nếu không có những nhân vật nổi đình nổi đám như Batman hay Spider-Man, các phim chuyển thể từ truyện tranh khó lòng chạm đỉnh doanh thu như trước”.

Mission: Impossible mất dần phép màu

Có lẽ đã đến lúc đặc vụ Ethan Hunt nên nghỉ hưu khỏi tổ chức IMF. Mission: Impossible – The Final Reckoning dù thu về 576 triệu USD toàn cầu – con số không tệ đối với các rạp chiếu khi họ được chia khoảng một nửa doanh thu – nhưng lại là thất bại đáng lo đối với hãng phim bỏ ra đến 300 triệu USD để sản xuất bom tấn này.

Hollywood - Ảnh 4.

Trong 29 năm, từ năm 1996 đến năm 2025, Tom Cruise mang đến 8 phần phim cho khán giả với tổng doanh thu khoảng 5 tỉ USD – Ảnh: Screen Rant

Với phần 8 của một thương hiệu đã kéo dài suốt 30 năm, việc doanh thu sụt giảm là điều dễ hiểu. Nhưng vấn đề lớn hơn nằm ở chỗ: những màn nhào lộn “thách thức tử thần” của Tom Cruise ngày càng tốn kém, trong khi khán giả gen Z – thế hệ đang chi phối thị trường – lại không còn mặn mà với dòng phim hành động kiểu cũ.

Nếu không thể thu hút được lớp khán giả trẻ kế cận, thì dù Tom Cruise có tiếp tục treo mình trên vách núi hay đu bám máy bay cũng khó mà khiến phòng vé bùng nổ như xưa.

Ngân sách phình to, lợi nhuận thu hẹp

Làm phim bom tấn vốn dĩ đã đắt đỏ nhưng sau đại dịch và hai cuộc đình công kéo dài trong ngành, con đường sinh lời lại càng gian nan hơn bao giờ hết.

Mission: Impossible – The Final Reckoning ngốn hơn 300 triệu USD cho riêng phần sản xuất, nghĩa là phim phải đạt doanh thu tầm cỡ Titanic mới mong hòa vốn và tất nhiên điều đó đã không xảy ra.

Cùng chung cảnh ngộ còn có Snow White không thu về nổi mức đầu tư 270 triệu USD, hay Captain America: Brave New World Thunderbolts – vốn có thể sinh lời nếu không bị đội chi phí sản xuất lên tới 180 triệu USD, chưa kể hàng chục triệu USD chi cho tiếp thị toàn cầu.

Phim gia đình Hollywood thắng lớn - Ảnh 2.

F1 là thắng lợi lớn đầu tiên của Apple sau sáu năm thua lỗ trong điện ảnh – Ảnh: Screen Rant

Bom tấn F1 – phim đua xe mới do Apple đầu tư với Brad Pitt cầm lái – đang khởi động mạnh mẽ. Nhưng để xứng đáng với số tiền 250 triệu USD đã chi ra, phim phải giữ được tốc độ về cả mặt truyền thông lẫn doanh thu.

Khi thị trường quốc tế đang dần thu hẹp – Trung Quốc giảm tiếp nhận phim Hollywood, còn Nga thì vẫn đóng cửa với phim Mỹ – thì việc giá thành sản xuất ngày càng leo thang đang khiến các hãng phim Hollywood rơi vào tình thế “siết chặt hầu bao” là điều không thể né tránh.