Người bị suy giãn tĩnh mạch ngâm chân bằng nước lạnh 10-15 độ C trong khoảng 10 phút làm tăng khả năng lưu thông khí huyết, giảm đau, tạo cảm giác dễ chịu.
ThS.BS.CKI Lê Chí Hiếu, khoa Ngoại Lồng ngực – Mạch máu, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết thông tin trên, thêm rằng nhiều người ngâm chân bằng nước nóng vì cho rằng giúp giảm đau nhanh chóng, song về lâu dài có thể khiến triệu chứng nặng và bệnh chuyển biến trầm trọng hơn. Trong khi đó, người bệnh ngâm chân bằng nước lạnh giúp huyết quản co lại, các cơ quan hoạt động tích cực hơn nhờ sự điều tiết của dịch thần kinh. Áp dụng phương pháp này tại nhà kết hợp massage giúp đem đến nhiều lợi ích và giảm triệu chứng bệnh hiệu quả hơn.
Cải thiện lưu thông máu: Ngâm chân giúp tĩnh mạch thư giãn, cho phép máu dễ dàng lưu thông và giảm áp lực lên các van bị suy yếu trước đó.
Hỗ trợ giảm đau và cảm giác khó chịu: Nhờ sự tác động của nhiệt độ thấp giúp phần chi dưới thư giãn và giảm áp lực trong các tĩnh mạch đang bị ảnh hưởng.
Tăng cường hệ thống bạch huyết: Khi ngâm chân, hệ thống bạch huyết được kích thích, từ đó loại bỏ những chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể, hỗ trợ giảm sưng, viêm hiệu quả.

Ngâm chân đúng cách mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe người suy giãn tĩnh mạch. Ảnh tạo bởi AI
Bên cạnh nhiều lợi ích, bác sĩ Hiếu lưu ý ngâm chân cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, thường gặp nhất là nguy cơ kích ứng da nếu sử dụng những loại thảo dược, tinh dầu không phù hợp. Chân có thể gặp tình trạng mất cảm giác tạm thời, làm tăng nguy cơ té ngã nếu ngâm quá lâu. Người bệnh gặp các vấn đề về bệnh lý thần kinh ngoại biên hay các biến chứng thần kinh của đái tháo đường cũng nên cẩn trọng vì không cảm nhận được nhiệt độ thực tế. Ngoài ra, những bệnh nhân có bệnh lý mạch máu ngoại biên không nên sử dụng phương pháp này vì giảm lưu lượng máu đến chi.
Để ngâm chân đúng cách giảm suy giãn tĩnh mạch, hướng dẫn người bệnh nên thực hiện theo các bước sau.
Bước 1: Chuẩn bị một chậu nước lạnh ở nhiệt độ từ 10 đến dưới 15 độ C.
Bước 2: Vệ sinh chân sạch sẽ trước khi ngâm.
Bước 3: Cho vào chậu nước lạnh khoảng 15 phút kết hợp cùng massage, xoa bóp nhẹ nhàng. Không nên ngâm chân quá 20 phút, tốt nhất là ngâm vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Bước 4: Dùng khăn khô lau sạch chân và đi ngủ thư giãn.
Ngâm chân chỉ là một biện pháp hỗ trợ giảm triệu chứng của suy tĩnh mạch, người bệnh nên kết hợp với phương pháp khác như mang vớ tĩnh mạch, kê cao chân khi ngồi hoặc nằm. Người bệnh hạn chế đứng hoặc ngồi một tư thế quá lâu, tránh mang giày cao gót trong thời gian dài.
Khi xuất hiện các triệu chứng cho thấy bệnh tiến triển nặng hơn như đau mỏi bắp chân, chuột rút, phù chân, tê chân, tĩnh mạch nổi ngoằn ngoèo dưới da, loét da…, người bệnh cần điều trị bằng biện pháp ngoại khoa gồm chích xơ tĩnh mạch, đốt laser nội tĩnh mạch, bơm keo sinh học… Bệnh không được điều trị sớm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như rối loạn huyết động học, viêm tắc tĩnh mạch, ứ trệ tuần hoàn máu.
Thu Hà
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch để bác sĩ giải đáp |