Mỗi khi bị stress, tôi thường khó thở, tức ngực và đôi khi có cơn hụt hơi bất chợt. Điều này ảnh hưởng đến phổi thế nào, có nguy hiểm không? (Mạnh Nguyễn, 40 tuổi, Hà Nội)
Trả lời:
Khi căng thẳng, cơ thể lập tức tăng giải phóng adrenaline và cortisol. Adrenaline làm tăng nhịp thở và giãn đường phế quản khiến thở nhanh hơn. Người có lá phổi khỏe mạnh, nhịp thở dần chuyển từ nhanh, nông về trạng thái bình thường khi căng thẳng qua đi.
Tuy nhiên, nếu stress kéo dài hoặc xảy ra thường xuyên, thở nhanh liên tục có thể gây mất cân bằng oxy và carbon dioxide dẫn đến cảm giác hụt hơi, chóng mặt, lo âu, đau ngực, tê bì, co cứng ngón tay hoặc cứng cánh tay và ngất. Tình trạng này còn nghiêm trọng hơn với người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản, có thể làm bùng phát đợt cấp với các triệu chứng như khò khè, ho, tức ngực và khó thở dữ dội.
Cortisol tăng cao do stress còn kích thích cảm giác thèm ăn, dẫn đến tăng cân và béo phì. Mỡ thừa ở bụng và xung quanh phổi chèn ép trực tiếp lên cơ hoành và khoang ngực, hạn chế phổi giãn nở, giảm dung tích chứa. Lúc này hít thở khó khăn hơn, tăng nguy cơ ngưng thở khi ngủ, gây mệt mỏi vào ban ngày. Béo phì khiến hen suyễn thêm trầm trọng, khó kiểm soát. giảm và cơ chế hô hấp bị cản trở khiến người thừa cân cảm thấy khó thở ngay cả khi thực hiện các hoạt động thể chất nhẹ nhàng, dần làm giảm khả năng vận động.
Với người có thói quen hút thuốc, căng thẳng khiến cơ thể thèm thuốc hơn. Nicotine trong thuốc lá nhanh chóng đi lên não, kích thích giải phóng dopamine, tạm thời làm giảm một số triệu chứng của căng thẳng và lo âu. Khói thuốc lại đưa hàng nghìn chất độc hại vào đầu độc lá phổi, làm trầm trọng thêm các bệnh lý hô hấp hiện có.

Bác sĩ đọc kết quả phim chụp phổi của bệnh nhân. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Để bảo vệ sức khỏe lá phổi, bạn nên xây dựng lối sống lành mạnh như ăn uống đầy đủ, cân bằng, giàu vitamin và khoáng chất nhằm tăng cường đề kháng cho cơ thể và . Bạn không hút thuốc lá – yếu tố quan trọng hàng đầu giúp tránh cho phổi bị tổn thương. Ngủ đủ giấc hỗ trợ cơ thể phục hồi, giảm stress và tăng cường hệ miễn dịch.
Bạn cũng tăng cường sức khỏe tinh thần thông qua thiền định, tập hít thở sâu, yoga, tham gia các hoạt động giải trí yêu thích, sống vui vẻ bên gia đình và bạn bè. Các bài tập thở đúng cách giúp điều hòa nhịp thở, mang lại sự thư giãn cho toàn bộ cơ thể, cải thiện chức năng phổi.
ThS.BS Lê Thị Hồng Thắm
Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp để bác sĩ giải đáp |