Bướu cổ sưng to do cường giáp tái phát

Bướu cổ sưng to do cường giáp tái phát

bởi

trong

TP HCMÔng Dũng, 65 tuổi, cổ sưng to kích thước 15 cm do cường giáp tái phát, được bác sĩ phẫu thuật lấy trọn bướu.

Ông Dũng đã được cắt tuyến giáp và u để điều trị cường giáp 11 năm trước. Gần đây thường xuyên mệt, hồi hộp, khó thở khi vận động, cổ sưng to gây đau, ông đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám. ThS.BS.CKII Đoàn Minh Trông, khoa Ngoại Vú – Đầu Mặt Cổ, chẩn đoán ông Dũng bị cường giáp tái phát, cần phẫu thuật loại bỏ bướu. Người bệnh dùng thuốc kháng giáp suốt ba tháng để điều chỉnh hormone giáp ổn định, bướu không còn sưng tấy, ổn định nhịp tim trước phẫu thuật.

“Phẫu thuật bướu cường giáp tái phát khó gấp 5 lần cuộc mổ ban đầu”, bác sĩ Trông nói, giải thích rằng sau cuộc mổ đầu tiên, các mô lành lại làm thay đổi cấu trúc giải phẫu so với thông thường. Bướu càng lớn và lâu năm càng bám chặt, kết dính mô xung quanh, quá trình bóc tách dễ gây chảy máu ồ ạt, khó quan sát. Phẫu thuật viên không có nhiều kinh nghiệm dễ cắt phải các dây thần kinh mỏng khiến người bệnh mất giọng vĩnh viễn. Trường hợp không lấy sạch u, nguy cơ tái phát cao.

Quá trình phẫu thuật, do ông Dũng bị thay đổi cấu trúc giải phẫu nên êkíp tiếp cận ranh giới bướu khó khăn, máu chảy nhiều cản trở quan sát. Êkíp phải liên tục dùng thiết bị cầm máu, bóc tách bướu từ từ để đảm bảo lấy trọn, không làm vỡ bướu và giữ được dây thần kinh thanh quản, tuyến phó giáp.

Hậu phẫu, ông thở đều, giảm hụt hơi, xuất viện sau 12 giờ theo dõi, sức khỏe ổn định.





Bướu cổ sưng to do cường giáp tái phát

Bác sĩ Trông (bên phải) và êkíp phẫu thuật cho ông Dũng. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Cường giáp là tình trạng tuyến giáp sản xuất nhiều hơn nhu cầu của cơ thể. Tuyến giáp tăng kích thước, phì đại, tạo thành bướu. Khi không được điều trị, người bệnh bị run tay, nhịp tim nhanh, mệt mỏi liên tục, rung tâm nhĩ, suy tim, đột quỵ, loãng xương…

Có nhiều nguyên nhân gây như bệnh Basedow (bệnh tự miễn của tuyến giáp) chiếm 70% các trường hợp, nhân tuyến giáp hoạt động quá mức, viêm tuyến giáp, sử dụng nhiều thực phẩm chứa iốt, dùng quá nhiều thuốc hormone tuyến giáp… Điều trị cường giáp chủ yếu dùng thuốc kháng giáp, iốt phóng xạ. Khi bệnh không cải thiện, tái phát nhiều lần, người bệnh được chỉ định phẫu thuật cắt một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp.

Bác sĩ Trông cho hay cường giáp có thể được chữa khỏi nếu người bệnh khám và điều trị đúng cách. Khi có triệu chứng thường xuyên mệt, thở hụt hơi, bướu cổ sưng tấy, móng tay giòn, rụng tóc… người bệnh nên đến chuyên khoa Nội tiết – Đái tháo đường hoặc Ngoại Vú – Đầu Mặt Cổ để được chẩn đoán, chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Người bệnh cường giáp được phẫu thuật khi dùng thuốc, uống iốt phóng xạ không hiệu quả.

Nguyễn Trăm

*Tên người bệnh đã được thay đổi

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư để bác sĩ giải đáp