Sở Y tế TP HCM lập đường dây nóng, mở rộng kênh tiếp nhận phản ánh của người dân liên quan chất lượng khám chữa bệnh, hành vi “vẽ bệnh, moi tiền” sau sáp nhập thành phố.
Ngày 11/7, Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng cho biết đây là một trong những vấn đề ngành y tế ưu tiên làm ngay để phục vụ hơn 14 triệu dân trên địa bàn rộng lớn sau sáp nhập TP HCM – Bình Dương – Bà Rịa Vũng Tàu.
Trong đó, đường dây nóng sẽ hoạt động qua số 096.777.1010. Đây là kênh tiếp nhận trực tiếp phản ánh của người dân liên quan đến chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, thái độ phục vụ của nhân viên y tế, các bất cập phát sinh về y tế trên địa bàn. Thông tin sẽ được Sở ghi nhận và tổng hợp, xác minh, chuyển đến đơn vị có thẩm quyền để xử lý kịp thời, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân khi tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc y tế.
Đường dây nóng 0989.401.155 tiếp nhận phản ánh chuyên biệt về các hành vi tiêu cực, liên quan việc “vẽ bệnh”, “moi tiền”, tư vấn không đúng chuyên môn nhằm trục lợi người bệnh hoặc hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Mọi phản ánh được tiếp nhận bảo mật, xác minh khách quan và xử lý nghiêm minh theo quy định. Kết quả xử lý sẽ được công khai, đảm bảo tính minh bạch và tạo điều kiện để người dân cùng giám sát. Đường dây nóng này do cán bộ thuộc Phòng Kiểm tra – Pháp chế của Sở Y tế đảm trách.
Tổng đài hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến 1900.638.563 hỗ trợ người dân trong tra cứu, hướng dẫn và giải đáp các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực y tế, như cấp giấy phép hành nghề, đăng ký cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, hồ sơ dịch vụ công trực tuyến… Tổng đài được phân thành nhiều nhánh chuyên môn, giúp kết nối nhanh chóng đến đúng các bộ phận phụ trách.
Cổng thông tin 1022 của TP HCM tiếp nhận phản ánh, kiến nghị tổng hợp của người dân, doanh nghiệp và tổ chức trên địa bàn. Người dân có thể gửi thông tin phản ánh liên quan đến lĩnh vực y tế thông qua trang cong1022.tphcm.gov.vn hoặc sử dụng ứng dụng di động 1022 TP HCM.
Ngoài ra, ứng dụng Y tế trực tuyến đang được Sở Y tế nâng cấp để phù hợp với mô hình chính quyền hai cấp khi không còn phòng y tế tại các quận, huyện (cũ), phối hợp xử lý khi tiếp nhận phản ánh của người dân. Trung tâm Cấp cứu TP HCM cũng nâng cấp tổng đài tiếp nhận cuộc gọi số 115 nhằm đáp ứng nhu cầu hỗ trợ cấp cứu cho người dân trên địa bàn tỉnh Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu cũ.

Bệnh nhân chờ khám bệnh tại bệnh viện ở TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần
“Mỗi ý kiến phản ánh đầy đủ và chính xác của người dân sẽ giúp cơ quan quản lý kịp thời xử lý các hành vi vi phạm, nâng cao chất lượng phục vụ tại cơ sở y tế”, ông Thượng nói, thêm rằng người dân vừa bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân vừa góp phần xây dựng hệ thống y tế công khai, minh bạch.
Dự kiến Sở Y tế sẽ xây dựng Dashboard tổng hợp, phân loại phản ánh của người dân bằng cách kết nối các đầu số đường dây nóng và ứng dụng y tế trực tuyến.
Những năm qua, nhiều phòng khám tại TP HCM bị phản ánh dùng các chiêu trò “”, “moi tiền” người bệnh. Chiêu thức thường thấy là bệnh nhân vào phòng khám thường được hướng dẫn thực hiện các xét nghiệm đơn giản chỉ vài trăm nghìn đồng, khi lên bàn thủ thuật mới nhận được các chẩn đoán từ bác sĩ là “bệnh rất nặng, nguy hiểm” yêu cầu chi phí điều trị rất cao. Thực hiện xong thủ thuật điều trị bệnh này sẽ , bệnh nhân rời phòng khám có khi phải tốn chi phí vài chục đến hơn trăm triệu đồng.
Sở Y tế từng nhiều lần xử phạt ở khung cao nhất, có nơi bị phạt hàng trăm triệu đồng và tước giấy phép hoạt động có thời hạn nhưng sau đó vi phạm vẫn tiếp diễn. Nhiều nơi sau khi bị phạt đã dùng chiêu “ve sầu thoát xác”, đổi tên phòng khám nhưng vẫn hoạt động trên cùng địa chỉ ban đầu, với kịch bản tương tự.
Lê Phương