Đổ lỗi kẹt xe, tai nạn do ‘xe máy nhiều, ôtô ẩu’

Đổ lỗi kẹt xe, tai nạn do ‘xe máy nhiều, ôtô ẩu’

bởi

trong
Đổ lỗi kẹt xe, tai nạn do ‘xe máy nhiều, ôtô ẩu’

Vấn đề không nằm ở phương tiện, mà do những thói xấu của người điều khiển.

Khi bàn về kẹt xe hay tai nạn giao thông, chúng ta thường nghe những luận điểm như: “Xe máy quá nhiều”, “xe hơi cá nhân chạy ẩu”, hoặc “xe tải, xe khách chạy liều”.

Nhưng tôi cho rằng đó là cách nhìn chưa thẳng vào bản chất. Vấn đề không nằm ở phương tiện nào, mà nằm ở những thói xấu trong hành vi của con người.

Thói xấu là gì? Là sự giành giật, khoe khoang, thích thể hiện, không tôn trọng người khác. Những hành vi ấy không đến từ chiếc xe, mà đến từ người cầm lái. Chính con người mới tạo nên sự hỗn loạn, bởi vì quá nhiều người sống trong tâm thế ganh đua, hơn thua, và muốn chứng tỏ bản thân bằng mọi giá.

Thực tế, những thói quen đó dần trở thành bình thường. Khi một số đông cùng hành xử như vậy, họ sẽ bảo vệ nhau, che chở cho hành vi sai vì nghĩ rằng “mình không đơn độc”. Cái sai, vì được lặp lại và lan truyền, bỗng trở thành thứ được đồng thuận một cách kỳ lạ.

Con người có xu hướng ganh đua, điều này không hẳn sai. Nhưng điều đáng buồn là nhiều người không biết chọn môi trường phù hợp để thể hiện bản thân. Ganh đua ai uống nhiều hơn trên bàn nhậu, ganh đua xe nào vượt mặt ai trên đường, ganh đua điểm số, ganh đua con cái… Những cuộc đua ấy không mang lại giá trị gì ngoài sự căng thẳng, tổn thương và đôi khi là bi kịch.

Khi cái tôi bị đụng chạm, nhiều người sẵn sàng dùng bạo lực để đáp trả. Những vụ việc như đập phá nhà hàng xóm chỉ vì bị nhắc nhở khi hát karaoke lớn, hay hành động lấn ép trên đường chỉ vì không muốn bị vượt mặt, phản ánh một môi trường sống đầy độc hại, nơi người ta coi thường chuẩn mực ứng xử và pháp luật.

Tôi tin rằng mỗi người nếu bớt đi một chút thói xấu, biết kiềm chế bản thân, và tránh xa môi trường xấu thì xã hội sẽ tốt hơn. Quan trọng là đừng mang theo sự xấu xí, hãy mang theo sự tử tế.

Thật may là hiện tại, tôi thấy cơ quan chức năng đang tích cực đẩy mạnh xử lý tội phạm và ban hành các luật mới để điều chỉnh xã hội theo hướng văn minh, kỷ cương hơn. Tôi tin rằng với những nỗ lực đó, sẽ có những người tốt thực sự được bảo vệ, còn người chưa tốt cũng sẽ dần điều chỉnh hành vi trước pháp luật.

Tóm lại, khi nhìn nhận một vấn đề, tôi chọn nhìn vào hành vi và thái độ, chứ không chia tách theo phương tiện. Điều chúng ta cần là cùng nhau nhìn thẳng vào gốc rễ vấn đề: Con người và cách họ chọn cư xử với nhau mỗi ngày.

Thanh