Tôi hay viêm họng, đau nhức mũi. Nội soi tai mũi họng có giúp phát hiện ung thư không, làm sao biết tổn thương lành tính hay ác tính? (Hưng Nguyễn, 50 tuổi, TP HCM)
Trả lời:
Cấu trúc tai mũi họng là những hốc nhỏ nằm sâu vùng đầu mặt cổ, thường không nhìn thấy được bằng mắt thường như vòm mũi họng, thanh quản, xoang, hạ họng… Nội soi tai mũi họng sử dụng ống nội soi có gắn camera và kính chuyên dụng ở hai đầu, giúp bác sĩ quan sát lớp niêm mạc sâu bên trong, phát hiện sớm tổn thương, chẩn đoán chính xác bệnh.
Nội soi tai mũi họng gồm ống cứng và ống mềm. Nội soi ống cứng (còn gọi là optic) với nhiều kích thước và góc soi khác nhau như 0 độ, 30 độ hoặc 70 độ. Nội soi ống mềm có đầu ống soi, gập đến 130 độ giúp bác sĩ quan sát rõ các ngóc ngách nhỏ và sâu của vùng tai mũi họng. Hình ảnh của khu vực nội soi được hiển thị, phóng to trên màn hình. Bác sĩ quan sát trực quan, rõ ràng, đánh giá và chẩn đoán bệnh, từ đó có phác đồ điều trị phù hợp.
Người bệnh đến khám tai mũi họng thường được kiểm tra theo quy trình gồm hỏi bệnh sử, khai thác triệu chứng, khám lâm sàng kết hợp nội soi tai mũi họng. Các dòng máy nội soi tích hợp các công nghệ cao có thể hỗ trợ bác sĩ nhìn rõ các cấu trúc mạch máu tăng sinh bất thường của khối u nghi ngờ ác tính.

Bác sĩ Phát nội soi tai cho một người bệnh. Ảnh minh họa: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Với ung thư vùng tai mũi họng, nội soi là công cụ quan trọng giúp bác sĩ quan sát rõ nét các cấu trúc để phát hiện các tổn thương nghi ngờ. Một số loại ung thư có thể được phát hiện qua nội soi như ung thư vòm mũi họng, ung thư thanh quản, ung thư mũi xoang, , ung thư vòm họng… Nếu phát hiện bất thường nghi ngờ ác tính, bác sĩ chỉ định sinh thiết mô, giải phẫu bệnh để xác định ung thư.
Phân biệt tổn thương lành tính hay ác tính qua nội soi dựa trên kinh nghiệm chuyên môn và các đặc điểm hình ảnh như bề mặt loét sùi, dễ chảy máu, bờ không đều, xâm lấn mô xung quanh. Tuy nhiên, không phải tổn thương nào cũng thể hiện rõ ràng, đa phần các trường hợp cần làm thêm sinh thiết. Với những tổn thương tiền ung thư, bác sĩ hướng dẫn theo dõi định kỳ nhằm phát hiện sớm, điều trị kịp thời khi tổn thương có dấu hiệu chuyển ác tính.
Nếu thường xuyên viêm, đau họng, bạn nên đến bác sĩ để được nội soi kiểm tra. Nếu phát hiện bất thường nghi ngờ ung thư, bác sĩ chỉ định các xét nghiệm hình ảnh hoặc sinh thiết phù hợp với tình trạng.
ThS.BS.CKI Trương Tấn Phát
Trưởng Đơn vị Tai Mũi Họng
Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng để bác sĩ giải đáp |