TP HCMÔng Linh, 53 tuổi, bị suy thận giai đoạn cuối phải lọc máu hơn một tháng, sau đó được bác sĩ lên phác đồ thuốc và chế độ dinh dưỡng giúp ngừng chạy thận.
Ông Linh suy thận mạn giai đoạn cuối sau cơn đột quỵ nửa năm trước, chạy thận định kỳ tại một bệnh viện, sau đó chuyển đến Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7. BS.CKI Đỗ Thị Hằng, Trưởng Đơn vị Nội thận – Lọc máu, cho hay ông Linh bị suy thận cấp trên nền suy thận mạn sau cơn đột quỵ, dẫn đến chức năng thận giảm dần. Ông còn bị cao huyết áp lâu năm, đái tháo đường type 2, tăng lipid máu hỗn hợp, tăng axit uric máu, mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ.
“Song người bệnh còn đi tiểu được, nghĩa là còn hy vọng cứu thận thoát lọc máu”, bác sĩ Hằng giải thích, thêm rằng trì hoãn chạy thận càng lâu càng tốt, tăng cơ hội sống khỏe, không phụ thuộc sự sống vào máy móc.
Bác sĩ lên phác đồ điều trị cá thể hóa để cải thiện sức khỏe tổng thể cho ông Linh với các thuốc điều chỉnh đường huyết, thuốc hạ huyết áp, chống xơ vữa động mạch, thuốc chống đông máu… Mục tiêu điều trị là kiểm soát huyết áp dưới 140/90 mmHg, kiểm soát đường huyết tối ưu là HbA1c dưới 7%, kiểm soát lipid máu với LDL-C dưới 1,8 mmol/L. Theo bác sĩ Hằng, cần ngăn chặn đột quỵ lần hai, vì nếu đột quỵ lần nữa, gần như người bệnh chắc chắn phải lọc máu.
Suốt 3 tháng tuân thủ phác đồ điều trị nội khoa, ông Linh thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, giảm đạm, hạn chế muối, nước mắm, nước tương, thức ăn dầu mỡ, đồ chiên xào, nội tạng động vật, thịt đỏ. Hạn chế dùng thuốc giảm đau, thực phẩm chức năng và tuyệt đối không hút thuốc lá, tránh uống rượu bia.
Bác sĩ Hằng đánh giá nhờ phát hiện và điều trị kịp thời trong “giai đoạn vàng” khi thận vẫn còn một chút chức năng nên ông Linh đáp ứng phác đồ tốt. Chức năng thận của người bệnh tiến triển, độ lọc cầu thận (eGFR) từ 24mL/phút/1,73m2 tăng lên 31mL/phút/1,73m2, tức suy thận mạn giai đoạn cuối lên độ 3, không cần phải chạy thận.
Ông Linh cho hay trước đây thường xuyên thức khuya làm việc, ăn uống thất thường, hay ăn đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá. Sau khi vượt qua và chạy thận, ông thay đổi lối sống, ăn uống lành mạnh, tuân thủ phác đồ điều trị.

Ông Linh tái khám với bác sĩ Hằng. Ảnh: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Việt Nam hiện có hơn 10 triệu người mắc , chiếm khoảng 12,8% dân số trưởng thành. Mỗi năm có khoảng 8.000 ca mắc mới với 800.000 bệnh nhân cần phải điều trị lọc máu. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ có 5.500 máy chạy thận phục vụ được 33.000 bệnh nhân, đáp ứng chưa tới 30% nhu cầu thực tế.
Theo bác sĩ Hằng, lối sống không lành mạnh là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người suy thận, ngay cả ở độ tuổi trẻ. Bác sĩ khuyến cáo mọi người nên sống lành mạnh, giảm ăn mặn, tăng cường rau xanh, trái cây và hạn chế đồ ăn chế biến sẵn, đồ uống có gas, nước ngọt, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, ngủ đủ giấc, tăng cường vận động, giảm căng thẳng để tránh áp lực lên thận. Khám sức khỏe định kỳ mỗi 6-12 tháng để kịp thời phát hiện các vấn đề về thận và điều trị kịp thời.
Hà Thanh
*Tên người bệnh đã được thay đổi