Ngày 11.7, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, cùng đại diện các sở, ngành đi kiểm tra Dự án (DA) đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ (P.An Bình, TP.Cần Thơ).
Đại diện Sở Y tế TP.Cần Thơ cho biết, DA Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ đã được phê duyệt danh mục DA sử dụng tín dụng ưu đãi của Chính phủ Hungary. Cơ cấu nguồn vốn hơn 1.700 tỉ đồng; trong đó vốn vay ODA của Chính phủ Hungary gần 1.400 tỉ đồng, vốn đối ứng của Cần Thơ hơn 300 tỉ đồng.
Bên trong Bệnh viện 1.700 tỉ ‘đứng hình’ 3 năm ở Cần Thơ
Theo quy định vay của Chính phủ Hungary, để một DA vay vốn Hungary có thể giải ngân thì cần ký kết hiệp định khung và thỏa thuận vay cụ thể cho DA. Hiệp định khung quy định hàng hóa, dịch vụ của các DA được mua sắm từ nguồn vốn vay Hungary phải có tỷ lệ xuất xứ từ nước này tối thiểu 50%.
Sau đó, Bộ Tài chính và Ngân hàng Eximbank Hungary ký kết hiệp định vay ràng buộc ưu đãi có trị giá gần 57 triệu euro (gần 1.400 tỉ đồng), hiệu lực từ tháng 1.2019 đến tháng 7.2022. Khi hết hạn, Hiệp định không được gia hạn hay ký mới, nên không đủ cơ sở gia hạn hiệu lực của Hợp đồng thương mại (EPC) để tiếp tục thực hiện DA.
Theo kế hoạch ban đầu, DA sẽ xong vào 2026. Tuy nhiên, vướng khó khăn trên, sau tháng 7.2022 thì DA dừng thực hiện. Lúc này, tiến độ giải ngân mới hơn 10 triệu euro (tương đương 272 tỉ đồng. DA chỉ mới hoàn thành thi công phần thô, chưa lắp đặt được thiết bị y tế.
Bệnh viện hoang tàn sau nhiều năm dừng thi công
ẢNH: THANH DUY
Trước tình hình đó, UBND TP.Cần Thơ đã tìm cách huy động vốn để tái khởi động DA. Phương án là tiếp tục thực hiện hợp đồng EPC theo giá trị hợp đồng đã ký kết, nhưng bổ sung nguồn vốn trong nước thay cho vốn vay ODA. Do lúc này tỷ giá euro thay đổi, từ hơn 24.000 đồng (năm 2017) lên hơn 28.000 đồng (3.2025) nên mức đầu tư DA buộc điều chỉnh lên hơn 1.940 tỉ đồng, tức tăng hơn 200 tỉ đồng so với thời điểm ban đầu.
Với phương án trên, sau khi trừ phần đã giải ngân, Cần Thơ phải chi ngân sách địa phương khoảng 264 tỉ đồng, đề nghị ngân sách T.Ư hỗ trợ hơn 1.334 tỉ đồng. Thành phố đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án này để không chịu ảnh hưởng các ràng buộc từ phía nhà tài trợ nước ngoài.
Càng để lâu càng lãng phí
Nói về DA dở dang, ông Phạm Quang Dũng, cán bộ điều hành (Ban điều hành xây dựng DA Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, nhà thầu Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng) cho biết, việc dừng thi công DA trong 3 năm qua đã gây thiệt hại rất lớn cho đơn vị, khó thể thống kê chính xác về tài chính.
Vật liệu xây dựng “đắp chiếu” lâu ngày dẫn đến hư hỏng, thiệt hại
ẢNH: THANH DUY
Một trong số đó là vào tháng 6.2024, kẻ trộm đã lấy các ống điều hòa, gây thiệt hại khoảng 700 – 800 triệu đồng. Khuôn viên bệnh viện khá rộng, có nhiều phòng. Mặc dù có thuê người dọn cỏ thường xuyên nhưng cỏ vẫn mọc um tùm, che khuất tầm nhìn, nhân viên bảo vệ cũng không thể kiểm soát hết được. Khi thi công lại, đơn vị phải tốn nhiều tiền để bảo dưỡng, sửa chữa trang thiết bị, tu bổ và vệ sinh lại toàn bộ tường.
Dẫu vậy, ông Dũng cho rằng, việc DA được thực hiện trở lại sẽ là tín hiệu rất vui. Ông cam kết sau khi được giải ngân và được triển khai thanh quyết toán suôn sẻ, đơn vị chỉ mất từ 1 – 1,5 năm sẽ hoàn thành DA và bàn giao cho Sở Y tế sớm nhất.
Tại buổi kiểm tra, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, cho biết Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ là một DA vô cùng thiết thực. Với quy mô 500 giường, DA hoàn thành sẽ phục vụ tốt cho nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ĐBSCL. Vì vậy, việc DA không tiếp tục triển khai từ năm 2022 không chỉ đi ngược với kỳ vọng, mong mỏi của người dân mà còn gây lãng phí lớn khi vật tư, xi măng, gạch bị hư hỏng…
Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ cũ (P.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) đang xuống cấp và quá tải
ẢNH: THANH DUY
Thời gian qua, lãnh đạo Thành ủy, UBND cũng rất quyết liệt đi khảo sát, tìm cách tháo gỡ khó khăn cho DA. Tuy nhiên, để DA có thể tiếp tục triển khai thì phải xin chủ trương của Chính phủ, Quốc hội về kinh phí, ngân sách. Đáng chú ý là ngân sách cần bổ sung cho DA khá lớn, cần có thời gian chờ T.Ư cho chủ trương.
Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Văn Lâu nói thêm, sắp tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ có buổi làm việc với TP.Cần Thơ. Khi có chủ trương cụ thể, địa phương sẽ thực hiện ngay các quy trình hồ sơ, thủ tục để DA triển khai càng sớm càng tốt. Thời gian còn lại để thực hiện DA đến ngày 21.12.2026, nếu khó khăn được gỡ trong năm 2025 và được bố trí vốn, có thể sẽ kịp tiến độ.