Chiều 11.7, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 9. Trong số này có luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật về quân sự, quốc phòng.

Luật sửa đổi quy định về các trường hợp được đăng ký nghĩa vụ quân sự trực tuyến
ẢNH: T.N
Các trường hợp đăng ký nghĩa vụ quân sự trực tuyến
Luật mới sửa đổi quy định liên quan đăng ký nghĩa vụ quân sự khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập.
Theo đó, công dân đã đăng ký nghĩa vụ quân sự khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập phải đăng ký bằng hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp tại cơ quan đã đăng ký nghĩa vụ quân sự làm thủ tục chuyển đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày đến nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập mới phải đăng ký bằng hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp tại cơ quan đăng ký nghĩa vụ quân sự để đăng ký chuyển đến.
Như vậy, luật mới đã rút ngắn thời hạn còn 5 ngày, so với quy định cũ là 10 ngày.
Luật mới cũng quy định các trường hợp được đăng ký nghĩa vụ quân sự trực tuyến từ ngày 1.7.
Trường hợp thứ nhất, đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu.
Tháng 1 hằng năm, chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp xã, người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức báo cáo chủ tịch UBND cấp xã danh sách công dân nam đủ 17 tuổi trong năm và công dân nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự chưa đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Tháng 4 hằng năm, chủ tịch UBND cấp xã quyết định gọi công dân quy định trên để đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu. Công dân phải đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu bằng hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp tại cơ quan đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Trường hợp thứ hai là đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung.
Trường hợp thứ ba là đăng ký nghĩa vụ quân sự khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập.
Vẫn theo quy định tại luật, công dân đã đăng ký nghĩa vụ quân sự, nếu đi khỏi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập từ 3 tháng trở lên phải đăng ký bằng hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp tại nơi đăng ký nghĩa vụ quân sự để đăng ký nghĩa vụ quân sự tạm vắng.
Khi trở về nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập trong thời hạn 5 ngày làm việc phải đăng ký lại.

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
ẢNH: GIA HÂN
Lực lượng dân sự có thể tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc
Một dự án luật khác được thông qua tại kỳ họp thứ 9 vừa qua là luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc.
Theo quy định, lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc gồm lực lượng vũ trang sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ và đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an, chiến sĩ và đơn vị thuộc Bộ Công an.
Ngoài ra, còn có lực lượng dân sự là cán bộ, công chức, viên chức được trang bị phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.
Trả lời về việc cử lực lượng ngoài quân đội, công an tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết tại các phái bộ hiện nay, nhu cầu về tái thiết hạ tầng, phục vụ đời sống của người dân là cơ bản, rất quan trọng.
11 năm qua, Việt Nam đã cử hơn 1.100 cán bộ, nhân viên theo 2 loại hình cá nhân, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đến làm việc tại các phái bộ.
Trong đó, cá nhân ở các vị trí quan sát viên, làm nhiệm vụ hậu cần, y tế, tham gia các vấn đề an sinh xã hội. Đơn vị đã có các bệnh viện dã chiến cấp 2, đội công binh.
Tới đây, Bộ Công an sẽ cử lực lượng cảnh sát tham gia lực lượng cảnh sát của Liên Hiệp Quốc.
Về việc mở rộng lực lượng dân sự tham gia, thượng tướng Hoàng Xuân Chiến nói, đây là các chuyên gia, ngành nghề liên quan đến giao thông, y tế, giáo dục, truyền thông, pháp lý. Để tham gia, họ sẽ phải đáp ứng các tiêu chí của Liên Hiệp Quốc, sự chuẩn bị của Việt Nam và cấp có thẩm quyền.
“Hiện nay, nguồn nhân lực của Việt Nam không thiếu và mở ra hành lang pháp lý tới đây sẽ triển khai thực hiện. Điều này thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế, đa dạng hóa các hình thức, đối tượng, loại hình tham gia các địa bàn phái bộ của Liên Hiệp Quốc”, thượng tướng Chiến thông tin.
Nghiên cứu bổ sung ‘không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự’ vào bộ luật Hình sự