Quan hệ Mỹ – Nhật – Hàn trắc trở vì ‘tiền nong’

Quan hệ Mỹ – Nhật – Hàn trắc trở vì ‘tiền nong’

bởi

trong

Hôm qua 11.7, Reuters dẫn nguồn từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay nước này cùng với Nhật Bản và Mỹ cùng ngày tiến hành cuộc tập trận không quân chung.

Ngoài ấm, trong không êm

Cuộc tập trận trên có sự tham gia của oanh tạc cơ chiến lược B-52 của không quân Mỹ, chiến đấu cơ KF-16 của Hàn Quốc và F-2 của Nhật. Đây là lần đầu tiên trong năm nay, oanh tạc cơ chiến lược B-52 được triển khai đến bán đảo Triều Tiên để tập trận nhằm thể hiện khả năng răn đe trước CHDCND Triều Tiên.

Cùng ngày 11.7, tướng Dan Caine, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cùng người đồng cấp Hàn Quốc là đô đốc Kim Myung-soo và tướng Yoshihide Yoshida, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã có cuộc hội đàm ba bên tại Seoul.

Tổng thống Trump ‘lịch sự’ đòi Hàn Quốc trả tiền để được bảo vệ

Cũng vào ngày 11.7, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã gặp 2 người đồng cấp Takeshi Iwaya (Nhật Bản) và Park Yoon-joo (Hàn Quốc) bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và đối tác đang diễn ra tại Malaysia.

Dù có nhiều hoạt động tăng cường hợp tác, nhưng thực tế quan hệ 3 nước trên đang trải qua nhiều thách thức. Điển hình, Ngoại trưởng Rubio gần đến giờ cuối đã hủy chuyến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc khi lần đầu công du châu Á, và chỉ gặp 2 người đồng cấp trên bên lề hội nghị của ASEAN.

Quan hệ Mỹ – Nhật – Hàn trắc trở vì ‘tiền nong’

Quan hệ Mỹ – Nhật – Hàn đang trắc trở vì nhiều vấn đề

Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố mức thuế 25% có hiệu lực từ ngày 1.8 đối với hàng hóa của Nhật Bản và Hàn Quốc. Quyết định của Washington đã gây nên chỉ trích từ cả Tokyo lẫn Seoul. Không những vậy, song hành đàm phán thương mại, Tổng thống Trump còn gây áp lực yêu cầu Nhật Bản và Hàn Quốc tăng ngân sách quốc phòng. Đây cũng chính là nguyên nhân mà cuộc hội đàm 2+2 gồm Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng của Mỹ và Nhật Bản hồi đầu tháng đã bị hủy.

Bài toán thương mại và ngân sách quốc phòng

Trả lời Thanh Niên hôm qua, GS Yoichiro Sato (Chuyên gia về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan châu Á – Thái Bình Dương, Nhật Bản) nhận xét: “Các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc đang bế tắc, vì lợi ích liên quan giữa Mỹ với 2 nước này lớn hơn nhiều so với các đối tác thương mại khác ở châu Á. Cụ thể hơn, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc có sự cạnh tranh gay gắt trong nhiều lĩnh vực, bao gồm ô tô, điện tử, thép, nhôm và hóa chất…”.

Đồng thời, một cuộc thảo luận về hợp tác quốc phòng ba bên cũng đang diễn ra, trong đó Mỹ kêu gọi các đồng minh tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng.

Giải thích thêm về vấn đề tồn tại giữa Mỹ – Nhật – Hàn, GS Sato phân tích: “Washington đang áp dụng “chiến lược cân bằng chính thức”, chuyển gánh nặng phòng thủ tuyến đầu của vành đai phòng thủ hàng hải mở rộng ở tây Thái Bình Dương sang các đồng minh chính là Tokyo và Seoul. Trong khi đó, nỗ lực củng cố hợp tác 3 bên đã và sẽ phải đối mặt với những tranh cãi liên tục giữa Hàn Quốc và Nhật Bản về các vấn đề lịch sử. Với việc ông Yoon Suk Yeol theo đường lối bảo thủ rời ghế Tổng thống và nay người nắm quyền là ông Lee Jae-myung, vốn theo đường lối cấp tiến, cũng gây thách thức không nhỏ cho hợp tác ba bên”.

“Cả hai đồng minh của Mỹ đều ngần ngại việc tăng thêm ngân sách quốc phòng, vì Tokyo và Seoul cách đây chưa lâu đã tăng ngân sách quốc phòng theo các thỏa thuận trước đó với Washington. Hai nước này cũng đang phản đối chiến thuật đàm phán của Mỹ là lợi dụng liên kết đàm phán quốc phòng với thương mại để gây áp lực tối đa”, vị chuyên gia nhận xét và cho rằng: “Việc Ngoại trưởng Rubio hủy bỏ kế hoạch thăm Hàn Quốc và Nhật Bản có thể là do Tokyo lẫn Seoul đều chưa sẵn sàng nhượng bộ đáng kể với Washington về thương mại hoặc quốc phòng. Trong bối cảnh như vậy, Mỹ có thể thúc đẩy thỏa thuận với các đối tác khác ở châu Á nhằm khẳng định vị thế”.

“Chiến thuật đàm phán của Mỹ đã có những dấu hiệu phản tác dụng. Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba vừa tuyên bố nước này sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia trước một “kẻ mạnh”. Mặt khác, liên minh Mỹ – Hàn trước đây từng xấu đi dưới thời chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Tình hình hiện tại trong nội bộ Hàn Quốc muốn truy tố cựu Tổng thống Yoon có thể dẫn đến chống lại liên minh giữa nước này với Mỹ”, GS Sato dẫn chứng những thách thức cho quan hệ 3 nước.