TP.HCM giông gió mạnh nhưng oi nóng, ít mưa
Dù đang giữa mùa mưa nhưng những ngày qua, ở khu vực Nam bộ và TP.HCM trời giảm mưa, thậm chí oi nóng vào buổi trưa với mức nhiệt độ phổ biến từ 32 – 34 độ C. Đặc biệt, tại TP.HCM trời thường xuyên xuất hiện giông gió mạnh nhưng lại không có mưa. Chị Nguyễn Kiều My, ngụ P.Minh Phụng (Q.11 cũ), cho biết: “Trước kia giông gió mạnh thường kèm theo mưa, có hôm mưa rất lớn. Qua cơn mưa giông gió cũng hết. Tuy nhiên, những ngày gần đây trời liên tục nổi giông nhưng lại không mưa. Nhà tôi là một chung cư cao tầng, có hôm quên đóng cửa gió lùa vào bay hết đồ đạc trong nhà. Còn khi đóng cửa thì lại thường xuyên nghe tiếng gió hú rất đáng sợ”.

Vào cao điểm mưa bão, thời tiết càng khó lường
ẢNH: PHẠM HỮU
Giải thích về hiện tượng thời tiết những ngày gần đây, Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn, nói: Hiện nay, gió mùa tây nam có xu hướng hoạt động mạnh lên. Đây là điều bình thường vì giai đoạn này đang giữa mùa mưa bão. Thông thường, gió mùa tây nam hoạt động mạnh sẽ mang theo mưa nhiều nhưng trong khoảng 10 ngày qua gió mạnh, mưa ít vì Nam bộ đang trong giai đoạn hạn bà chằn – một đợt khô hạn ngắn xảy ra trong mùa mưa. Đợt hạn bà chằn hiện nay không quá gay gắt và chỉ gây khô hạn cục bộ ở một số địa phương Nam bộ. Đó là lý do vì sao những ngày qua ở TP.HCM mưa giảm và vào giữa trưa có cảm giác oi nóng. Về mặt hình thái thời tiết, đó là do trên cao có áp cao cận nhiệt đới nhánh phía nam khiến trời oi bức.
Chuyên gia Xuân Lan dự báo: Đợt hạn bà chằn đang suy yếu do áp cao cận nhiệt đới suy yếu và rút về phía tây. Cùng với đó, dải hội tụ nhiệt đới hoạt động mạnh trở lại trên khu vực giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nên trong những ngày tới trên địa bàn TP.HCM và Nam bộ mưa có xu hướng gia tăng trở lại, chủ yếu mưa về chiều và đêm, kèm theo giông lốc. Giai đoạn từ giữa tháng 7 kéo dài đến tháng 10 là cao điểm mùa mưa bão, đặc biệt ở miền Nam cũng như miền Bắc.
Đặc biệt trong 30 ngày tới, các mô hình dự báo thời tiết trên thế giới cho rằng khả năng Biển Đông có thể xuất hiện đến 2 cơn bão; ngoài ra ở phía đông của Philippines có thể xuất hiện 1 cơn siêu bão có khả năng đi về hướng Đài Loan. Từ nay đến khoảng tháng 10, bão ít có khả năng ảnh hưởng đến khu vực Nam bộ. Tuy nhiên, mỗi khi bão xuất hiện trên Biển Đông thì hoàn lưu hay đuôi bão lại gây mưa diện rộng trên khu vực này. Nếu siêu bão ở phía đông Philippines xuất hiện như dự báo sớm hiện nay thì khả năng hoàn lưu của nó cũng ảnh hưởng đến Nam bộ.

Hạn bà chằn khiến thời tiết TP.HCM oi nóng ngay trong mùa mưa
ẢNH: NHẬT THỊNH
Cảnh báo bão lũ bất thường kéo dài
Thời gian qua dù mới đầu mùa nhưng mưa to bất thường liên tục xuất hiện ở miền Trung và miền Bắc. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, so với trung bình nhiều năm, tổng lượng mưa trong 30 ngày qua ở một số khu vực như từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi cao hơn từ 150 – 300%, riêng các địa phương từ Quảng Trị đến Đà Nẵng lượng mưa cao hơn từ 6 – 11 lần. Ngược lại, một số khu vực còn lại trên cả nước phổ biến lại thấp hơn 15 – 50%.
Dự báo, trong 30 ngày tới ở khu vực Bắc bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Huế, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 20 – 40%, các khu vực còn lại phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm. Trên Biển Đông có thể có 2 cơn bão, trong đó có 1 cơn có thể ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Bên cạnh đó, 2 cơn bão đầu mùa cũng diễn biến phức tạp khi liên tục thay đổi hướng đi và di chuyển theo đường dích dắc.
Th.S Lê Thị Xuân Lan cho hay ở miền Trung giai đoạn từ tháng 5 – 8 là mùa nắng nóng, nhiều năm nhiệt độ vượt 40 – 42 độ C nhưng năm nay lại xuất hiện những trận mưa lớn bất thường, rất hiếm gặp trong 50 năm qua. Đợt mưa nửa đầu tháng 6 do ảnh hưởng của bão số 1 có hướng di chuyển dọc bờ biển miền Trung, còn đợt mưa lớn đầu tháng 7 này chỉ xuất hiện cục bộ ở một số khu vực. Khu vực này do đang trong mùa nắng nên từ nay đến tháng 8 vẫn tiếp tục xuất hiện các đợt nắng nóng nhưng cường độ không gay gắt như những năm trước. Giữa các đợt nắng nóng có thể xuất hiện xen kẽ một số đợt mưa lớn cục bộ.
Đối với tình trạng mưa bão bất thường ở miền Bắc, Th.S Lan giải thích: Mùa mưa bão đến sớm với khu vực này do rãnh thấp gió mùa xuất hiện sớm từ tháng 5 thay vì tháng 7 như những năm trước. Bên cạnh đó, năm nay rãnh thấp này cũng nằm gần các tỉnh phía bắc nước ta hơn so với các năm trước. Do vậy, thời gian qua mưa lớn thường xuyên xuất hiện ở các tỉnh miền Bắc. Hiện tại là giai đoạn rãnh thấp này hoạt động với cường độ rất mạnh nên khả năng ở miền Bắc, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía bắc, sẽ tiếp tục đón những đợt mưa lớn dị thường. Mưa lớn hết đợt này đến đợt khác dẫn đến nguy cơ gây lũ quét, lũ ống, sạt lở đất nghiêm trọng. Trong tháng 7 ở miền Bắc có khả năng xuất hiện một đợt lũ tiểu mãn nên người dân cần chú ý phòng tránh.
Không chỉ ở VN mà trong thời gian qua, trên phạm vi toàn cầu thời tiết cũng diễn biến bất thường khắp nơi. Cụ thể là nắng nóng bất thường trên diện rộng ở châu Âu, thảm họa lũ lụt ở Texas (Mỹ), mưa lũ dị thường ở Nam và Đông Á…
Chuyên gia Xuân Lan lý giải: Hiện tượng ENSO vẫn duy trì trạng thái trung tính (không phải El Nino và cũng không La Nina) và dự báo trạng thái này sẽ kéo dài đến tháng 10. Như vậy, những hiện tượng thời tiết cực đoan hiện tại có thể do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra. Tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp khiến thời tiết ngày càng khó đoán và tình trạng mưa bão bất thường gia tăng khắp nơi. Tình trạng này không chỉ mới xuất hiện trong năm nay mà trong nhiều năm gần đây. Đáng chú ý, năm 2024 các hiện tượng thời tiết cực đoan, bão mạnh xuất hiện nhiều hơn như trên Đại Tây Dương xuất hiện 3 siêu bão chỉ trong 1 tuần. Ngay gần chúng ta, cuối năm ngoái Philippines hứng chịu 4 cơn bão trong vòng 1 tháng. Còn VN hứng siêu bão Yagi (bão số 3) mạnh cấp 13 – 14 là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền nước ta.
Do vậy, vào mùa cao điểm năm nay, chúng ta phải hết sức cẩn trọng và chủ động phòng tránh các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Do vào cao điểm mùa mưa bão nên từ nay đến khoảng tháng 10, mưa sẽ xuất hiện nhiều hơn ở Nam bộ với trung bình từ 20 – 25 ngày mưa mỗi tháng.
Th.S Lê Thị Xuân Lan