Người “đồng cảnh ngộ”
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa qua đã gửi thư thông báo về việc áp thuế 50% lên Brazil. Đáng chú ý, nội dung đầu tiên của bức thư không nêu ra những vấn đề thương mại, mà tập trung nhấn mạnh việc nhà lãnh đạo Mỹ bất bình trước vụ xét xử cựu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. Ông Trump chỉ trích cách Brazil đối xử với ông Bolsonaro và yêu cầu lập tức dừng truy tố vị cựu tổng thống.

Tổng thống Trump tiếp Thủ tướng Netanyahu tại Nhà Trắng vào ngày 7.7 vừa qua
Ảnh: Nhà Trắng
Diễn biến trên không phải lần đầu tiên ông Trump công khai bảo vệ các chính trị gia cánh hữu ở nước ngoài đối mặt với những vấn đề pháp lý. Vào tháng 6, ông từng kêu gọi hủy phiên tòa xét xử Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu với cáo buộc tham nhũng. Hồi tháng 4, Tổng thống Trump chỉ trích việc kết án lãnh đạo cực hữu Pháp Marine Le Pen về tội tham ô. Phán quyết này của tòa khiến bà Le Pen, một chính khách có sức ảnh hưởng lớn trong phe cánh hữu ở Pháp, không thể tranh cử tổng thống, trừ khi bà kháng cáo thành công.
Trong vòng 3 tháng, ông Trump đã công khai bênh vực 3 đồng minh cánh hữu nước ngoài đang gặp rắc rối pháp lý. Điểm chung là tổng thống Mỹ đều coi ông Bolsonaro, ông Netanyahu và bà Le Pen là nạn nhân của cuộc “săn phù thủy”. Ông Trump có lẽ là “người từng trải” khi liên tục dùng thuật ngữ này để chỉ trích các vụ điều tra và truy tố công khai tại Mỹ nhằm vào ông, tiêu biểu là 4 vụ truy tố hình sự diễn ra vào thời điểm ông Trump tranh cử chức tổng thống Mỹ. “Chuyện này không khác gì tấn công đối thủ chính trị, điều mà tôi biết rất rõ. Nó đã xảy ra với tôi gấp 10 lần”, ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social trong ngày 7.7, đề cập vụ xét xử ông Bolsonaro.

Tổng thống Trump (phải) gặp ông Bolsonaro hồi năm 2020
Công cụ bảo vệ đồng minh
Giới quan sát cho rằng việc ông Trump gán vấn đề thuế quan với phiên xét xử cựu tổng thống Brazil phần nào cho thấy ông chủ Nhà Trắng có thể dùng chính sách kinh tế trở thành công cụ gây sức ép chính trị lên giới chức Brazil. Brazil nằm trong số ít quốc gia mà Mỹ không bị thâm hụt thương mại, yếu tố ông Trump vốn dựa vào để xem xét mức thuế quan. Theo dữ liệu từ Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), giá trị hàng hóa Mỹ xuất sang Brazil là 49,7 tỉ USD, trong khi Mỹ nhập 42,3 tỉ USD hàng từ Brazil.
Brazil nhận đòn thuế nặng từ ông Trump
“Brazil trước đây có thâm hụt thương mại nhỏ với Mỹ. Động thái của ông Trump mang nhiều yếu tố chính trị. Đây là một phần trong nỗ lực của gia đình ông Bolsonaro nhằm thuyết phục ông Trump tác động đến phiên tòa đang diễn ra của ông Jair Bolsonaro”, Đài Al Jazeera dẫn lời bà Elizabeth Johnson, nhà phân tích tại Công ty tư vấn kinh tế TS Lombard (trụ sở tại Anh).
Đối với vụ xét xử Thủ tướng Netanyahu, sự ủng hộ của ông Trump có ý nghĩa sâu rộng hơn khi nó cho thấy quan hệ mật thiết giữa hai lãnh đạo đương nhiệm có nhiều lợi ích chung, khi Mỹ và Israel là đồng minh thân cận trong chính sách đối ngoại và an ninh ở Trung Đông. “Chính Mỹ đã cứu Israel, và giờ đây Mỹ sẽ cứu ông Bibi Netanyahu (biệt danh của Thủ tướng Israel)”, ông Trump viết trên Truth Social.
Theo trang Axios, tổng thống Mỹ đe dọa sẽ dừng viện trợ quân sự nếu cuộc “săn phù thủy” với ông Netanyahu tiếp tục. Ông Trump đã thể ủng hộ với bà Marine Le Pen bằng việc lên án phe cánh tả châu Âu thực hiện “chiến tranh pháp lý” để ngăn chặn các đối thủ chính trị. Bà Le Pen bị kết án 4 năm tù nhưng đã kháng cáo để hoãn thi hành án. Ông kêu gọi trả tự do cho nữ chính khách Pháp, người được xem là ứng viên hàng đầu cho cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2027.
Thêm những diễn biến tại chính trường Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 11.7 thăm khu vực xảy ra lũ quét ở bang Texas (Mỹ) tuần trước và khen ngợi các quan chức về công tác ứng phó thảm họa thiên nhiên chết chóc nhất kể từ khi ông bắt đầu nhiệm kỳ 2.
Đến thị sát tại hạt Kerr ở Texas, tâm chấn của thảm họa, ông Trump đã khen ngợi Thống đốc Texas Greg Abbott và Bộ trưởng An ninh Nội địa Kristi Noem về công tác ứng phó, khi nói rằng cả hai đã làm một “công việc tuyệt vời”, theo Reuters. Các quan chức trong chính quyền liên bang khẳng định rằng việc cắt giảm không ảnh hưởng khả năng dự báo bão của Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ (NWS), trước những câu hỏi nêu rằng việc thiếu nhân sự có thể đã ảnh hưởng khả năng phòng chống lũ.
Cũng liên quan diễn biến trong chính phủ Mỹ, AFP hôm qua 12.7 đưa tin hơn 1.300 nhân viên của Bộ Ngoại giao Mỹ đã bị sa thải. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho rằng bộ máy ngoại giao Mỹ hiện quá cồng kềnh và cần tinh giản khoảng 15%.