Sinh con là quyền, nuôi dạy con tốt là trách nhiệm
Theo báo cáo Tình trạng dân số thế giới năm 2025 của Quỹ Dân số LHQ (UNFPA), nhiều người không thể tạo dựng gia đình như mong muốn. Theo kết quả khảo sát người dân ở 14 quốc gia có số dân chiếm hơn 1/3 dân số thế giới về những mong muốn thực sự đối với đời sống sinh sản và tương lai của mình, cũng như niềm tin về khả năng thực hiện những mong muốn đó, rất ít người có thể tự mình đưa ra những quyết định mang tính riêng tư và ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc đời.
Dữ liệu do UNFPA công bố trong 5 năm qua cũng cho thấy cứ 10 phụ nữ thì có 1 người không thể quyết định có nên sử dụng biện pháp tránh thai hay không. Khoảng 1/4 số phụ nữ không được tự quyết định việc chăm sóc sức khỏe của bản thân mình, nhiều phụ nữ không thể từ chối tình dục. Do đó, hàng triệu người vẫn không thể thực hiện được quyền về sinh sản và quyền tự do lựa chọn của mình.

Sinh con là quyền, nuôi dạy con tốt là trách nhiệm
ẢNH: PHƯƠNG AN TẠO BỞI GEMINI AI
Các rào cản gây khó khăn cho việc tránh mang thai ngoài ý muốn và lập gia đình thường giống nhau, bao gồm: kinh tế bấp bênh, phân biệt đối xử, thiếu sự hỗ trợ từ bạn đời và cộng đồng, chất lượng chăm sóc sức khỏe tình dục và sinh sản thấp, hạn chế trong việc tiếp cận dịch vụ như chăm sóc trẻ em hay giáo dục với chi phí hợp lý…
Tại VN, Cục Dân số (Bộ Y tế) lan tỏa thông điệp hưởng ứng Ngày dân số thế giới 11.7: Sinh con là quyền, nuôi dạy con tốt là trách nhiệm; Hãy để việc sinh con trai hay gái theo quy luật tự nhiên; Không mang thai ở tuổi vị thành niên vì sức khỏe, tương lai và hạnh phúc của chính bạn; Không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống để bảo vệ giống nòi; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đưa đất nước vào kỷ nguyên mới…
Triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dân số
Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện chiều cao trung bình người Hà Nội 18 tuổi đối với nam đạt 167,5 cm, nữ đạt 156,5 cm. Mục tiêu đến năm 2030, chiều cao trung bình người Hà Nội 18 tuổi đối với nam đạt 169 cm, nữ đạt 158 cm, thông qua các giải pháp nâng cao chất lượng dân số.
Trong đó, tiếp tục triển khai can thiệp, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng. Hiện tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân đạt 6,6%; thể thấp còi 9,8%; kiểm soát tỷ lệ béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi đạt 1,1%. Tỷ lệ sàng lọc trước sinh đủ 4 bệnh đạt 84% năm 2024, dự kiến năm 2025 đạt 85%; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đủ 5 bệnh đạt 89% năm 2024, dự kiến đạt 90% năm 2025.
Hà Nội tiếp tục thực hiện khám sàng lọc, tư vấn về bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia cho học sinh tại các trường trung học phổ thông tại các địa phương có nhiều đồng bào dân tộc, mỗi năm thực hiện khám cho khoảng 5.000 người; khám sàng lọc khiếm thính cho hơn 30.000 trẻ em tiền tiểu học tại các trường mầm non mỗi năm. Tuổi thọ bình quân người dân Hà Nội năm 2024 đạt 76,3 tuổi, dự kiến năm 2025 đạt 76,5 tuổi.
Quyền tự quyết về sinh sản không chỉ đơn thuần là tự do
Theo UNFPA, quyền tự quyết về sinh sản không chỉ đơn thuần là tự do, không bị ép buộc hay khả năng tiếp cận các dịch vụ tốt hơn, mà còn bao gồm các điều kiện toàn diện giúp con người có thể thực sự thực hiện quyền sinh sản và quyền tự do lựa chọn trên cơ sở bình đẳng giới, ổn định kinh tế, sức khỏe thể chất và tinh thần, cho đến niềm tin vào tương lai. Các chính sách cần trực tiếp giải quyết những mối quan ngại này, thông qua việc đảm bảo đầy đủ quyền và sức khỏe sinh sản cho mọi người; hỗ trợ lâu dài, liên tục cho cha mẹ và gia đình; chấm dứt bạo lực giới và các thực hành phân biệt đối xử giới.