Trong tuần, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 9 ghi nhận 1 phiên tăng nhẹ nhưng có đến 4 phiên giảm mạnh, kết quả cả tuần giảm tổng cộng 451 USD còn 3.216 USD/tấn. Trong khi đó, trên sàn NewYork, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 giảm 50 USD/tấn, còn 6.320 USD/tấn.

Dòng chảy cà phê thế giới hướng về Việt Nam
ẢNH: HOÀNG NGUYỄN
Tại khu vực Tây nguyên, giá cà phê nhiều nơi tiếp tục lao dốc và lùi về dưới mức 90.000 đồng/kg. Nhiều người nắm giữ cà phê bắt đầu lo lắng vì xu hướng giảm tiếp tục kéo dài.
Thị trường cà phê thế giới chao đảo vì thuế đối ứng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố ngày 9.7 khi Mỹ tăng thuế đối ứng lên tới 50% với Brazil so với con số 10% hồi đầu tháng 4. “Với mức thuế này, dòng chảy cà phê từ Brazil vào Mỹ gần như dừng lại”, Reuters dẫn một số nguồn tin từ Mỹ nhận định.
Không chỉ Brazil, nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới bị ảnh hưởng mà Indonesia, nguồn cung lớn thứ 4 cũng bị Mỹ áp thuế đối ứng đến 32%. Trong cục diện này, dòng chảy cà phê sẽ có nhiều biến động mới.
Theo các chuyên gia, nếu tạm so sánh các con số về mức thuế đối ứng mà Tổng thống Donald Trump mới đưa ra gần đây thì cà phê Việt Nam đang chiếm ưu thế trên thị trường.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (VICOFA) nhận định, Việt Nam và Mỹ vẫn đang đàm phán và chúng ta phải tiếp tục chờ đến khi có kết quả chính thức. Tuy nhiên, với những diễn biến hiện tại thì cà phê cũng như một số mặt hàng nông sản khác như hồ tiêu của Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh.
Thực tế trong ngắn hạn, chúng ta không có hàng để bán vì thời gian qua giá cà phê đứng ở mức rất cao nên các doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội xuất khẩu mạnh. Chưa kể Mỹ là nước tiêu thụ mạnh hạt cà phê arabica trong khi thế mạnh của Việt Nam là robusta. Việc các nhà sản xuất và người tiêu dùng Mỹ có chuyển hướng thị trường hay không còn phải chờ.
Cùng với việc Mỹ tăng thuế đối ứng lên hàng hóa Brazil và châu Âu cũng sẽ áp dụng quy định chống phá rừng (EUDR) vào cuối năm nay và Việt Nam là nước tuân thủ tốt nhất quy định này cho thấy, “dòng chảy cà phê mới” đang hướng về nguồn cung mang tên Việt Nam.