“Nàng tiên cá” co giật suốt 5 phút dưới đáy bể mới được giải cứu

“Nàng tiên cá” co giật suốt 5 phút dưới đáy bể mới được giải cứu

bởi

trong

Phía sau ánh hào quang

Lướt nhẹ trong làn nước với bộ đồ nàng tiên cá, Lâm Diên có cảm giác như đang bay. Cô hít một hơi thật sâu, lặn xuống độ sâu 3m và bơi theo nhịp điệu của bản nhạc, thổi bong bóng về phía lũ trẻ đang chăm chú dõi theo từ bên kia chiếc bể hình trụ.

“Nàng tiên cá”co giật gần 5 phút dưới đáy bể mới được cứu (Nguồn: RT).

Dù là một “trải nghiệm cổ tích” với Lâm, cô gái ngoài 20 tuổi cũng như khán giả nhỏ tuổi của mình, màn trình diễn dưới nước này tiềm ẩn vô số hiểm họa.

Trong bối cảnh ngành biểu diễn này tại Trung Quốc dần mất đi các quy chuẩn huấn luyện và an toàn, những rủi ro đe dọa các diễn viên đóng vai “nàng tiên cá” và “chàng tiên cá” ngày càng trở nên đáng báo động.

Hồi tháng 4, dư luận Trung Quốc rúng động khi đoạn video ghi lại cảnh một nữ diễn viên co giật dưới đáy bể tại khu vui chơi Thế giới Đại dương Thái Nguyên nằm ở tỉnh Sơn Tây lan truyền trên mạng.

“Nàng tiên cá” co giật suốt 5 phút dưới đáy bể mới được giải cứu
Nàng tiên cá bị co giật dưới nước trước khi được giải cứu (Ảnh cắt từ clip).

Cô gái được cứu sau gần 5 phút vùng vẫy dưới nước. Sau đó, nạn nhân kể với Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc (CNR) rằng, khi đang trồi lên lấy hơi, dòng nước bất ngờ làm bật mặt nạ và tràn vào miệng cô.

Khi chân vịt tuột ra, cô không còn khả năng đạp nước để nổi lên mặt bể.

Cô gái một mình co giật dưới đáy bể gần 5 phút mới được giải cứu, làm dấy lên tình trạng mất an toàn của những người đang làm nghề này.

“Cứ tưởng bể chỉ sâu 3m thì cứu người trong vòng 20 giây vẫn kịp. Nhưng chỉ cần có sự cố nhỏ xảy ra như rơi mặt nạ, bị chuột rút, đều nguy hiểm tới tính mạng”, Lâm nói.

Hiện cô làm việc tại một bể thủy cung ở Thâm Quyến. “Nàng tiên cá” cho biết, nhiều thủy cung tiết kiệm chi phí, không bố trí nhân viên cứu hộ, không có quy trình cấp cứu rõ ràng.

Một nữ diễn viên ở Thanh Đảo (tỉnh Sơn Đông), nghệ danh là Tây Môn, kể rằng đồng nghiệp của cô từng bị kẹt trong bể ngoài trời hơn 2 phút, buộc phải cởi đuôi khi bơi lên bờ trong trạng thái không còn trang phục. Những tình huống như vậy khiến không ít người bỏ nghề.

Ngay cả việc mặc bộ đuôi silicon cũng đã là cực hình. Lâm chia sẻ, cô phải đi tất chống trơn rồi mới luồn mình vào chiếc đuôi nặng như 10kg. Thời gian chuẩn bị mất tới 30 phút, trong khi mỗi màn biểu diễn chỉ kéo dài vài phút.

Áp lực lớn nếu trót yêu nghề

Theo Tây Môn, hiện phần lớn những người đóng vai “nàng tiên cá” ở Trung Quốc phải chấp nhận làm tự do, không có hợp đồng lao động, không bảo hiểm và không được đảm bảo an toàn.

Điều duy nhất bị quản lý khắt khe đó là ngoại hình của diễn viên. Các nàng tiên cá cần đạt tiêu chuẩn eo thon, ngực lớn, chiều cao lý tưởng từ 1,68m đến 1,72m, không nhận phụ nữ từng sinh con vì ảnh hưởng tới vóc dáng.

Nàng tiên cá co giật suốt 5 phút dưới đáy bể mới được giải cứu - 2
Những diễn viên đóng nàng tiên cá tại các thủy cung ở Trung Quốc gặp nhiều áp lực về công việc và chế độ đãi ngộ (Ảnh: News).

“Tuổi tác cũng là rào cản. Thị trường có hạn. Cứ một người trẻ được chọn cũng có nghĩa một người lớn tuổi hơn sẽ bị loại”, một diễn viên ở Thanh Đảo nói.

Trang điểm bị cấm do lo ngại hóa chất gây hại cho sinh vật biển. Vì thẩm mỹ, một số nơi còn cấm dùng kính lặn, buộc diễn viên phải mở mắt, điều chỉnh biểu cảm, tóc bồng bềnh. Công việc lâu dài gây ảnh hưởng lớn tới cơ thể.

Nhiệt độ nước trong bể thường từ 26 đến 28°C. Mức này thấp hơn nhiều so với nhiệt độ 33°C ở ngưỡng lý tưởng. Đôi khi các diễn viên phải chấp nhận chịu lạnh hơn khi hệ thống sưởi gặp trục trặc, nhất là bể ngoài trời.

“Người ta ưu tiên giữ sức khỏe cho cá và các sinh vật trong bể, chứ không phải con người”, Lâm nói.

Công việc lặn liên tục khiến sức khỏe của các diễn viên ảnh hưởng nghiêm trọng như viêm tai, rụng tóc, hỏng da.

Trước đó, đây là công việc mang lại mức thu nhập tốt cho các diễn viên. Mức thu nhập bình quân khoảng 15.000 tệ (55 triệu đồng)/người. Tuy nhiên đến nay do sự cạnh tranh của thị trường, tiền thu lao của diễn viên cũng sụt giảm chỉ khoảng 8.000 tệ/tháng (30 triệu đồng). 

Hiện một số thủy cung nổi tiếng còn chuyển sang thuê diễn viên nước ngoài với mức đãi ngộ cao, khiến sự cạnh tranh trong nước càng khốc liệt.

Năm 2024, chính phủ Trung Quốc mở cuộc thanh tra toàn quốc về an toàn thể thao dưới nước, bao gồm biểu diễn tiên cá. Các tổ chức lặn bắt buộc phải có giấy phép, diễn viên phải có chứng chỉ, nơi làm việc phải có biển báo và nhân viên an toàn chuyên môn. Tuy nhiên, vẫn chưa có quy định riêng cho biểu diễn tiên cá.