
Tôi không ăn cay được, từng nhiều lần bị thúc ‘cắn thử miếng ớt đi, cay mới ngon’.
Hồi trào lưu mì cay mới nổi, tôi có dịp ghé một quán mì cay 7 cấp độ vì có hẹn với nhóm bạn ở đó. Nhìn quanh, toàn người trẻ, mặt đỏ phừng phừng, vừa lau mồ hôi vừa húp mì, miệng không ngừng xuýt xoa.
Tôi hỏi thử một bạn phục vụ: “Cấp 7 có ai ăn nổi không em?”. Bạn cười: “Nhiều anh chị không ăn nổi, vẫn gọi để quay clip cho vui, còn bỏ lại nguyên tô. Mà cấp càng cao càng hút khách, anh cũng ăn thử đi”. Tôi chọn mì cay 0 độ.
Sau đó là trào lưu mukbang – livestream cảnh ngồi ăn số lượng lớn thức ăn. Vậy mà có rất nhiều người xem. Phải chăng chúng ta đang dần ăn theo kiểu chiều chuộng cảm giác cực đoan. Không chỉ cay, mà còn rất mặn, rất ngọt, rất béo, rất đắng.
Thói quen ăn uống đang biến dạng thành một kiểu ganh đua vô thức. Người ta không ăn để sống, mà ăn để thể hiện.
Một tô mì không đơn giản là món ăn nữa, mà là chiếc phông nền cho cá tính, cho sự dũng cảm, hay đơn giản là để… câu tương tác. Ví dụ như khi tôi nói mình không ăn cay được, nhiều người sẽ bảo là sao dở vậy, con trai mà không biết ăn cay?
Ăn uống là văn hóa, là cách mỗi người đối thoại với cơ thể mình. Khi lạm dụng gia vị, chạy theo khẩu vị mạnh, ta đang đẩy cơ thể đến tình trạng mất cân bằng. Gan thận mệt mỏi, dạ dày tổn thương, da dẻ xấu đi, giấc ngủ không tròn, tất cả bắt nguồn từ một tô mì quá cay, cắn ớt xé lưỡi.
Điều đáng lo không phải là ăn mặn hay ăn cay, mà là sự lệch lạc trong cách con người hiểu về nhu cầu bản thân, rồi từ đó đánh giá người khác.