3 bệnh nhân ăn tiết canh lợn ở Hưng Yên đang bình phục

3 bệnh nhân ăn tiết canh lợn ở Hưng Yên đang bình phục

bởi

trong

Hai người tử vong sau ăn tiết canh lợn

Viện Y học nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 3 ca bệnh liên cầu lợn cùng ở Hưng Yên được bệnh viện địa phương chuyển đến trong đêm 11.7. Đây là các trường hợp mắc bệnh sau khi ăn tiết canh lợn.

3 bệnh nhân ăn tiết canh lợn ở Hưng Yên đang bình phục

Bác sĩ của Viện Y học nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai kiểm tra các vết xuất huyết trên da bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn

ẢNH: NGUYÊN HÀ

Trong 3 ca bệnh, một nam bệnh nhân 63 tuổi diễn biến nặng nhất, với biểu hiện co giật, hôn mê, thở máy. Tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn, được điều trị kháng sinh và hồi sức tích cực. Bệnh nhân đã tỉnh táo và được rút ống thở. Trước khi có triệu chứng bệnh, sáng 6.7, bệnh nhân này và một số người khác cùng ăn tiết canh lợn tại một quán quen ở Quỳnh Phụ (tỉnh Hưng Yên). Khoảng 1 tuần sau đó, ông xuất hiện đau gối, mệt mỏi, tụt huyết áp, buồn nôn, mất ý thức, yếu chân tay, co giật.

2 trường hợp khác là nam bệnh nhân 38 tuổi và 43 tuổi (đã được ra viện). Mặc dù diễn biến bệnh nhẹ hơn nhưng hiện vẫn còn di chứng: tai nghe kém, mắt mờ.

Cũng theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, ngoài 3 bệnh nhân được điều trị nêu trên, cơ quan y tế đang tìm nguyên nhân khiến 2 trường hợp khác ở Hưng Yên tử vong với biểu hiện sốt, đi ngoài phân lỏng sau khi ăn tiết canh lợn.

Nguy cơ từ tiết dê, tiết ngan, vịt pha thêm tiết canh lợn

PGS-TS Đỗ Duy Cường, Viện trưởng Viện Y học nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, liên cầu khuẩn lợn (vi khuẩn Streptococcus suis) lây từ lợn sang người chủ yếu qua đường tiêu hóa do ăn tiết canh, gây bệnh nhiễm trùng huyết, viêm màng não và suy đa tạng với tỷ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Đặc biệt, vi khuẩn này không có vắc xin phòng ngừa. Cách duy nhất để tránh mắc bệnh là không ăn tiết canh và các thực phẩm từ thịt lợn sống hoặc chưa nấu chín.

“Bữa ăn không an toàn có thể là bữa ăn cuối cùng”, ông Cường nói và cảnh báo, tiết dê, tiết ngan vịt nếu được pha thêm tiết canh lợn, người ăn cũng rất dễ nhiễm bệnh.

“Việc sử dụng tiết canh, thịt lợn sống, thịt tái, nem chua, thực phẩm không được nấu chín kỹ có thể dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm. Nguy cơ không chỉ là nhiễm liên cầu khuẩn lợn mà còn là các loại giun sán, vi khuẩn tạp khuẩn, gây ngộ độc thực phẩm. Bởi vậy, thói quen ăn uống này cần được loại bỏ”, ông Cường nhấn mạnh.