Luôn sẵn sàng khi đất nước cần

Tiến sĩ Đinh Hùng Cường
ẢNH: NVCC
Là một trong 62 đại biểu ở nước ngoài về tham dự diễn đàn lần này, tôi rất vinh dự và tự hào. Tôi cũng như hơn 200 đại biểu tham dự diễn đàn đều mong muốn góp phần hiểu biết của mình để đề xuất các ý tưởng và sáng kiến. Dù đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài nhưng tôi luôn mong muốn có điều kiện để được đóng góp những kiến thức của mình trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Tại diễn đàn lần này, tôi sẽ bài trình bày chuyên đề “Con đường từ nghiên cứu khoa học tới khởi nghiệp sáng tạo – bền vững”, trong đó nêu lên biện pháp để một nhà nghiên cứu sẽ bắt đầu hướng đề tài của mình thế nào và làm sao biến chúng thành sản phẩm thương mại có ý nghĩa đối với cuộc sống mà giảm chi phí, kết hợp với sự hỗ trợ của nhà nước.
Tôi cho rằng diễn đàn sẽ tạo ra được một mạng lưới các nhà trí thức VN trong nhiều lĩnh vực, giúp đa dạng hóa kinh nghiệm và kiến thức của từng cá nhân tạo nên sức mạnh của tập thể, luôn sẵn sàng khi đất nước cần.
Tiến sĩ Đinh Hùng Cường (Trưởng phòng Nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Viện Hóa học nước biển, Fukuoka, Nhật Bản)
Đẩy nhanh công cuộc đổi mới kinh tế xanh

Giáo sư Nguyễn Nhật Nguyên
ẢNH: NVCC
Với chuyên môn khoa học về toàn cầu hóa, kiến tạo thị trường, và chiến lược thương hiệu quốc gia, tôi quan tâm nhất đến 2 chủ đề khởi nghiệp và kinh tế xanh; dự báo và phòng chống rủi ro thiên tai, địa chính trị. Tôi sẽ tham gia thảo luận về chiến lược xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp dựa trên nền kinh tế tuần hoàn. Dù hệ sinh thái khởi nghiệp và nền kinh tế tuần hoàn được nhắc đến khá nhiều trên truyền thông và giảng dạy trong các trường đại học, VN còn thiếu các chiến lược thực tiễn để xây dựng hệ sinh thái; trong đó các trường đại học, các cơ quan chính phủ, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp quốc tế và địa phương liên kết và hợp tác với nhau để chuyển nền kinh tế tuyến tính sang kinh tế xanh, tuần hoàn.
Ngoài ra, tôi sẽ thảo luận thêm về vai trò của người dân – người tiêu dùng trong hệ sinh thái này. Dù vai trò của họ cực kỳ quan trọng, các diễn ngôn về hệ sinh thái khởi nghiệp và kinh tế tuần hoàn thường không đề cập đến. Việc đưa người dân – người tiêu dùng vào trung tâm của hệ sinh thái sẽ góp phần đẩy nhanh công cuộc đổi mới kinh tế xanh.
Giáo sư Nguyễn Nhật Nguyên (Viện kinh doanh Rouen, trực thuộc Đại học đa ngành Rouen Normandy, Pháp)
Cầu nối tri thức giữa VN và thế giới

Tiến sĩ Trần Quốc Thiện
ẢNH: NVCC
Là nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Texas – Austin (bang Texas, Mỹ), hướng nghiên cứu của tôi chủ yếu tập trung vào phát triển các loại vật liệu xây dựng “xanh” để giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.
Đây là lần đầu tiên tôi tham dự Diễn đàn Trí thức trẻ VN toàn cầu. 4 chủ đề của diễn đàn năm nay khá toàn diện, mang tính thời sự, cũng như phản ánh đúng những thách thức và cơ hội lớn của nước ta. Những khía cạnh quan trọng này tạo ra không gian để những nhà khoa học làm việc và sinh sống ở nước ngoài như chúng tôi có điều kiện đóng góp ý tưởng – giải quyết các vấn đề hiện trạng của đất nước, đề xuất các ý tưởng sáng tạo cũng như chính sách, thể hiện đúng vai trò cầu nối tri thức giữa VN và thế giới.
Tôi quan tâm về chủ đề khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, gắn với kinh tế xanh, phát triển bền vững, tài chính xanh và hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như chủ đề thích ứng với biến đổi toàn cầu. VN là nước xuất khẩu xi măng lớn nhất thế giới, tuy tạo ra nhiều giá trị về kinh tế nhưng cũng gây ảnh hưởng nặng nề đến môi trường. Tôi muốn chia sẻ đến diễn đàn một công nghệ chế tạo xi măng “xanh” mới, tận dụng lượng đất sét và đá vôi dồi dào ở VN để giảm lượng clinker cần dùng trong xi măng truyền thống – giúp giảm hơn 30% lượng khí CO2 thải ra môi trường so với xi măng truyền thống, góp phần bảo vệ môi trường và tiết kiệm chi phí sản xuất.
Tiến sĩ Trần Quốc Thiện (Đại học Texas – Austin, Mỹ)
Cơ hội cống hiến của trí thức trẻ

Tiến sĩ Nguyễn Duy Tâm
ẢNH: NVCC
Đối với các trí thức trẻ VN, đặc biệt là những người đang sinh sống, học tập, công tác ở nước ngoài, diễn đàn không chỉ là cơ hội để kết nối, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm nghiên cứu, học tập mà còn tạo điều kiện để các trí thức trẻ toàn cầu có cơ hội tiếp cận, cống hiến, đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước, phát triển kinh tế và nâng cao trình độ khoa học, kỹ thuật.
Theo tôi, cả 4 chủ đề năm nay đều rất thú vị và đáng quan tâm. Tuy nhiên, tôi dành sự quan tâm vào chủ đề “Thích ứng với biến đổi toàn cầu”, trong đó tập trung vào các nội dung ứng phó biến đổi khí hậu, phòng ngừa thiên tai, an ninh năng lượng và hạ tầng thông minh. Đây là nội dung liên quan trực tiếp đến lĩnh vực nghiên cứu của tôi.
Tôi sẽ chia sẻ đến với mọi người những kiến thức, cập nhật mới nhất về các công nghệ lưu trữ và chuyển đổi năng lượng tái tạo, trong đó tập trung vào hai hướng nghiên cứu mà tôi đang thực hiện tại Đại học Monash (Úc) là pin lưu trữ quy mô lớn và sản xuất hydro xanh. Đây là hai lĩnh vực đã được đưa vào
Quy hoạch Điện VIII của Thủ tướng Chính phủ và cũng nằm trong các lĩnh vực thuộc Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ. Tôi có thể kết nối, chia sẻ và hy vọng đóng góp được những kinh nghiệm, đề xuất hữu ích nhất.
Tiến sĩ Nguyễn Duy Tâm (Trường Hóa học, Đại học Monash, Úc)