Trong thời bình, nhiệm vụ của họ vẫn đầy cam go: truy bắt tội phạm, giữ gìn bình yên cho từng con phố, từng mái nhà. Không ít cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống khi làm nhiệm vụ, để lại tiếc thương cho gia đình, đồng đội và nhân dân. Sự hy sinh thầm lặng ấy là minh chứng sống động cho lời thề “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
Hy sinh để làng xóm bình yên
Sau sắp xếp địa giới hành chính, 2 xã Vĩnh Trung và Vĩnh Tường (thuộc H.Vị Thủy, Hậu Giang cũ) sáp nhập, lấy tên là xã Vĩnh Tường, TP.Cần Thơ. Trụ sở Công an xã Vĩnh Tường đặt tại Công an xã Vĩnh Trung cũ. Những ngày này, trụ sở đang được sửa chữa, sơn mới, các trang thiết bị làm việc cũng được chuyển về.

Bức ảnh gia đình trước khi đại úy Nguyễn Văn Kha hy sinh
ẢNH: THANH DUY
Ở đó, có một bộ bàn ghế vết sơn đã bong tróc, với những nét vẽ dễ thương bằng bút xóa. Nó không còn mới, cũng không ai ngồi, nhưng mọi người đều muốn nó hiện diện nên nhất quyết mang theo. Đó là bàn làm việc của đại úy Nguyễn Văn Kha (40 tuổi, Công an xã Vĩnh Tường cũ), kỷ vật của người chiến sĩ đã quả cảm hy sinh khi truy bắt tội phạm vào giữa tháng 4.2025.
Đại úy Nguyễn Phong Nhả, Phó trưởng công an xã Vĩnh Tường, không khỏi xúc động khi kể lại câu chuyện hy sinh quên mình của đại úy Kha. Hôm đó là ngày 14.4, người chiến sĩ này trực ban cùng các đồng đội. Khoảng hơn 22 giờ thì nhận được tin báo có người dùng ghe cào điện đánh bắt thủy sản trái phép trên kênh xáng Nàng Mau (đoạn thuộc ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Tường cũ). Đội lập tức tiến hành tuần tra, gác lại những bàn tính dở dang vì đúng 10 ngày sau (24.4) sẽ là sinh nhật của đại úy Kha.
Công an xã Vĩnh Tường bố trí 2 tổ tác chiến cùng lúc. Tổ 1 đi bằng xe máy vây bắt đường bộ, đại úy Nguyễn Văn Kha tham gia tổ 2 đi bằng vỏ lãi truy bắt đường sông. Đội nhanh chóng phát hiện vị trí ghe cào điện và phát tín hiệu thông báo. Tuy nhiên, 2 người trên ghe không hợp tác mà ngoan cố bỏ chạy. Do thiết bị kết nối dòng điện trực tiếp, ghe cào càng tăng ga tẩu thoát thì dòng điện càng cao. Khi áp sát đối tượng, đại úy Kha không may chạm vào ghe cào, bị điện giật rơi xuống sông.
Các chiến sĩ ập vào khống chế, buộc tắt máy ghe cào điện. “Sau đó, mọi người không thấy anh Kha, biết là đã chìm nên lặn tìm, lúc đó là hơn 22 giờ. Đau xót tột cùng nhưng phải cố nén vào lòng, vì tinh thần của chiến sĩ công an là luôn sẵn sàng hy sinh vì dân, quên mình vì dân. Phải ưu tiên khống chế kẻ phạm tội, để sau này làng xóm yên bình, người dân yên tâm sinh sống”, đại úy Nhả bồi hồi kể lại.

Sự hy sinh của đại úy Nguyễn Văn Kha khiến người dân, đồng đội thương tiếc
ẢNH: THANH DUY
Ở dân thương, đi dân nhớ…
Sự việc xảy ra trên kênh xáng Nàng Mau. Lòng sông sâu, nước chảy mạnh buổi tối nên việc tìm kiếm đại úy Kha gặp rất nhiều khó khăn. Chung tay tìm kiếm cùng Công an xã Vĩnh Tường cũ là hàng chục nông dân bất chấp cái lạnh của đêm khuya. Trên bờ, đông đảo bà con sốt ruột dõi theo, nhiều người bật khóc tiếc thương cho người chiến sĩ kiên cường.
Có mặt vào thời điểm đó, bà Nguyễn Thị Luyến (46 tuổi, ngụ xã Vĩnh Tường cũ), cho biết hầu như không ai ra về, vì sự biết ơn và muốn nhìn đại úy Kha lần cuối. “Bà con ở đây thương mến Kha bởi lối sống gần gũi, thân thiện với mọi người. Giữa công an và người dân là không có khoảng cách, nên tình hình an ninh trật tự ở đây đảm bảo trong nhiều năm qua. Vì vậy khi Kha hy sinh, ai cũng đau lòng vì em ấy còn khá trẻ”, bà Luyến bùi ngùi.
Sau hơn 1 giờ khẩn trương tìm kiếm, mọi người vẫn không tìm thấy được thi thể đại úy Kha. Công an xã Vĩnh Tường liền báo về Phòng Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh Hậu Giang cũ hỗ trợ. Có các phương tiện nghiệp vụ chuyên dụng, mọi người tìm thấy đại úy Kha vào lúc 23 giờ 30. Lúc ấy, nhiều người dân cũng thức trắng đêm để đưa tiễn người chiến sĩ này về bên gia đình.
Đại úy Nhả cho biết, năm 2019, đại úy Kha về công tác tại Công an xã Vĩnh Tường cũ. Đây là địa bàn cách khá xa trung tâm H.Vị Thủy, tình hình tội phạm khá phức tạp. Thời điểm đó, việc đưa cán bộ biên chế công an về xã còn khá mỏng, nên đại úy Kha cùng lúc phụ trách mảng quản lý hành chính lĩnh vực văn thư và phòng chống tội phạm. Dẫu công việc khá nặng nhưng ngoài công tác chuyên môn, đại úy Kha còn vận động xây đường, giải quyết ổn thỏa nhiều mâu thuẫn tranh chấp, được lòng bà con.
Đặc biệt, đại úy Kha để lại nhiều ấn tượng đáng nhớ với đồng đội. Anh hay tự nấu những nồi cháo dành cho các chiến sĩ đi tuần tra đêm khuya. Chính sự quan tâm đó đã góp phần tạo nên một tập thể Công an xã Vĩnh Tường cũ đoàn kết, vươn lên thành một trong những đơn vị thi đua dẫn đầu tại H.Vị Thủy cũ. “Đại úy Kha hy sinh là một mất mát lớn với đơn vị. Các anh em chiến sĩ đang rất quyết tâm, cố gắng thay anh nuôi con gái học hành, thực hiện hiện ước mơ”, đại úy Nhả xúc động.

Đại úy Nguyễn Phong Nhả, Phó trưởng công an xã Vĩnh Tường, bồi hồi xúc động bên chiếc bàn làm việc của liệt sĩ, đại úy Nguyễn Văn Kha
ẢNH: THANH DUY

Sinh nhật do đồng đội tổ chức cho đại úy Nguyễn Văn Kha (phải) trước khi hy sinh
ẢNH: THANH DUY
Con gái muốn nối bước cha
Con gái đại úy Kha chuẩn bị học lớp 9, hiện ở cùng mẹ là chị Huỳnh Thị Như Ý (40 tuổi) tại P.Vị Tân, TP.Cần Thơ (trước là TP.Vị Thanh, Hậu Giang). Tuy nhiên, lúc này con gái đang về nhà bà ngoại ở tạm, vì chị Ý phải lên TP.HCM cùng người thân chăm sóc cha chồng tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Chị Ý tâm sự: “Trước đó cha có bệnh, khi anh Kha mất thì cha bị suy sụp tinh thần, đổ bệnh nặng. Lúc này, nhiều căn bệnh dồn đến một lúc, phải nằm trong phòng hồi sức cấp cứu”.
Vợ chồng chị quen nhau từ năm học cấp 3, sống bên nhau đã 16 năm. Chị rất ủng hộ, chia sẻ công việc của chồng khi nhiều ngày liền phải ở lại đơn vị. Ngược lại, khi có thời gian rảnh, đại úy Nguyễn Văn Kha đều dành hết cho vợ con. Sinh ra trong một gia đình hạnh phúc, nên từ nhỏ con gái đã mơ ước được làm công an như cha mình.
Chị Ý nói thêm, qua biến cố của cha, con gái vẫn không nản chí với ước mơ của mình, dẫu thấy rõ nghề công an đòi hỏi sự can đảm, những hiểm nguy rình rập khi đấu tranh với các loại tội phạm. Điều đó khiến gia đình nội, ngoại rất xúc động và đặt niềm tin.
(còn tiếp)
Sau khi đại úy Nguyễn Văn Kha hy sinh khi làm nhiệm vụ, Bộ Công an đã truy thăng bậc hàm từ đại úy lên thiếu tá. Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba.