
Với khối ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán) thì nguồn tuyển càng căng thẳng khi tỷ lệ học sinh chọn thi các môn khoa học tự nhiên (KHTN) ngày càng ít đi. Sự khủng hoảng nguồn tuyển cho các ngành học STEM bắt đầu từ khi Bộ GD-ĐT bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT (ban đầu gọi là thi THPT quốc gia) với hai mục đích là xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH.
Năm ngoái, 63% thí sinh chọn thi tổ hợp khoa học xã hội (KHXH), chỉ 37% chọn thi tổ hợp KHTN. Dẫu tỷ lệ thấp nhưng vì chỉ có 2 lựa chọn nên nguồn tuyển KHTN vẫn đạt được khoảng 390.000 em. Ngoài ra, các trường có thể trông chờ thêm nguồn tuyển D01 (toán, văn, tiếng Anh). Đây là nguồn tuyển diện “hai hàng” khi khối ngành KHXH mời chào, còn những ngành STEM mà không phải ngành kỹ thuật, lại thuộc trường tốp giữa và dưới (cung cấp nhân lực cho thị trường lao động ở phân khúc tạm gọi là “trình độ trung bình”) cũng mở cửa đón chào. Từ năm ngoái trở về trước, ngoại ngữ là môn thi bắt buộc, thành thử nguồn tuyển được mở rộng tối đa. Do đó, câu chuyện khủng hoảng nguồn tuyển cho các ngành STEM vẫn có những giải pháp tạm thời.
Theo chính sách thi của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, năm nay mỗi thí sinh chỉ phải thi 4 môn. Trong đó bắt buộc thi 2 môn toán và văn, cùng với 2 môn tự chọn trong số 9 môn học còn lại (lý, hóa, sinh, sử, địa, giáo dục kinh tế và pháp luật, công nghệ, tin học, ngoại ngữ). Từ đó hình thành 36 tổ hợp thi tốt nghiệp, với 36 lựa chọn, thay vì chỉ 2 lựa chọn như trước đây. Tổng số thí sinh chỉ tăng 100.000 so với năm ngoái nhưng bị chia nhỏ ra, kéo theo sự ảnh hưởng tới nguồn tuyển của các tổ hợp thường được dùng xét tuyển cho các ngành STEM (A00, A01, B00) là rất lớn. Trong đó điển hình phải kể đến tổ hợp B00 mà Báo Thanh Niên đã có bài phân tích.
Không chỉ vậy, ngay cả cái giải pháp tạm thời cho nguồn tuyển khối ngành STEM (tổ hợp D00) cũng không còn khi nguồn tuyển chủ yếu cho khối ngành KHXH này cũng bị co hẹp lại còn 1/3.
Mới đây, trong một cuộc họp báo của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng vẫn đầy tâm huyết khi chia sẻ mối trăn trở của ngành với giáo dục – đào tạo lĩnh vực STEM. Trong xây dựng chương trình, Bộ đã hết sức chú trọng đến các môn học STEM.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ cũng đã có nhiều nội dung tham mưu. Điển hình nhất, ngày 25.4, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành Đề án số 1002 về đào tạo nguồn nhân lực phát triển công nghệ, giai đoạn 2025 – 2035, tầm nhìn 2045, nhằm phát triển đào tạo khối ngành STEM.
Nhưng lấy đâu ra nguồn tuyển chất lượng để đào tạo STEM có chất lượng, nếu như từ cấp phổ thông học sinh chỉ chọn học những môn “dễ”, thi cũng chọn những môn “dễ”? Thay đổi bức tranh nguồn tuyển là việc làm hoàn toàn nằm trong khả năng của Bộ GD-ĐT, nhưng cả chục năm nay vẫn không làm được, vì sao?