Tôi từng đọc được một dòng chữ nhỏ ở sân bay Changi (Singapore): ‘Xin đừng dùng ổ cắm quá 15 phút nếu bạn thấy người khác đang cần’.
Vụ việc tại tiệm photobooth ở Hà Nội đã khiến dư luận bức xúc. Hành vi bạo lực, đặc biệt khi xảy ra với một công dân sở tại, trên chính đất nước mình, là điều không thể chấp nhận và cần bị xử lý nghiêm khắc.
Khách Hàn Quốc đánh một cô gái Việt ở photobooth tại Hà Nội ngày 11/7. Video:Photoism
Tuy nhiên, bên cạnh sự phẫn nộ chính đáng trước hành vi sai trái, vụ việc này cũng mở ra một câu hỏi khác, sâu hơn và âm ỉ hơn: Chúng ta đang ứng xử thế nào trong những không gian công cộng – nơi có nhiều người, nhưng ai cũng nghĩ mình là trung tâm?
Câu chuyện ấy không chỉ nằm ở một tiệm chụp ảnh, nếu để ý quan sát chúng ta thấy đang diễn ra trong đời sống thường nhật. Bản thân tôi làm việc trong một tòa nhà có tám thang máy. Vào giờ cao điểm buổi sáng, không hiếm gặp cảnh ai đó giữ cửa thang để chờ đồng nghiệp đang vừa đi thủng thẳng vừa cắm mặt xem điện thoại. Chỉ khoảng 10 giây thôi nhưng trong một không gian kín, với hàng chục người đang vội đến văn phòng, thì sự chờ đợi ấy khiến không khí trở nên ngột ngạt. Không ai lên tiếng, nhưng cái chau mày, cái liếc nhìn thì rất thật.
Rõ nhất là một lần tôi đi siêu âm ổ bụng ở bệnh viện. Tôi cứ giả vờ kêu đau chỗ nọ, đau chỗ kia để được bác sĩ siêu âm kỹ hơn và nghĩ sẽ có lợi cho mình. Nhưng tôi đâu có nghĩ đến ngoài hành lang kia còn nhiều bệnh nhân khác đang đợi đến lượt. Khi bước ra khỏi phòng, tôi lập tức nhận được nhiều cái lườm và một vài câu nói bâng quơ nhưng làm bản thân phải suy nghĩ: “Chắc họ chỉ phục vụ mình ông ấy”.
Ở các điểm du lịch, hay những nơi có những background đẹp, hiện tượng này càng phổ biến. Một nhóm người đứng rất lâu trước một góc chụp đẹp: đổi dáng, chỉnh tóc, thử đủ kiểu góc máy, mặc người khác chờ đợi. Họ không sai, ai cũng muốn có những bức ảnh ưng ý. Nhưng cũng như trong tiệm photobooth ở Hà Nội, rất ít người quay đầu lại để nhận ra: phía sau mình là một hàng dài người khác đang chờ, dưới nắng gắt hoặc trời mưa.
>>
Những hành vi ấy không xuất phát từ ác ý. Chúng ta đơn giản là quá quen với việc đặt nhu cầu cá nhân lên trước, mà quên rằng không gian công cộng, dù là một chiếc thang máy, một phòng chụp ảnh hay một điểm check-in, đều là chỗ mà sự chia sẻ nên được ưu tiên. Khi ai cũng muốn “nán lại thêm chút nữa”, thì sự kiên nhẫn chung sẽ cạn kiệt nhanh chóng. Và từ đó, những va chạm, bức xúc có thể âm thầm tích tụ, rồi bùng nổ vào thời điểm không ai ngờ.
Chúng ta có quyền sử dụng dịch vụ đúng theo phần của mình. Nhưng sống trong xã hội đông đúc, quyền đó chỉ thật sự có ý nghĩa khi ta biết đặt mình vào vị trí của người khác. Câu hỏi không phải là: “Tôi có quyền làm điều này không?”, mà là: “Tôi làm vậy có khiến người khác thấy bị chiếm dụng không gian, thời gian hay không?”.
Tôi từng đọc được một dòng chữ nhỏ ở sân bay Changi (Singapore): “Xin đừng dùng ổ cắm quá 15 phút nếu bạn thấy người khác đang cần”. Không phải quy định bắt buộc, nhưng nó gợi ra một tinh thần rất văn minh: biết rút lui đúng lúc, để người khác bước tới.
Tôn trọng không gian công cộng chính là biểu hiện rõ ràng nhất của lịch sự và văn minh. Nó không cần đến đạo đức cao siêu, chỉ cần mỗi người biết tiết chế, biết “dừng lại” kịp thời. Đừng đợi đến lúc bị thúc giục, bị chen lấn, hoặc như trong câu chuyện kia – bị phản ứng bằng bạo lực, mới giật mình nhận ra rằng: sự im lặng của những người chờ đợi không phải lúc nào cũng là sự đồng tình.
Không gian công cộng là của tất cả, nhưng nó sẽ chỉ thực sự đáng sống nếu ai cũng biết rằng mình không phải là duy nhất ở đó.
- Chen chúc giành chỗ ở cây xăng
- Hai thái độ của nhân viên siêu thị ở Việt Nam và Mỹ khi tôi bị chen hàng
- Bất lực với đám đông chen lấn, giành chỗ
- Người phụ nữ lớn tuổi chen lấn, giành chỗ của tôi
- Người Việt kìm chân nhau vì tư duy chen lấn, chộp giật
- Tại sao người Việt hay chen lấn, giành chỗ?