Hình thành thói quen tiết kiệm điện
Phải hình thành thói quen tiết kiệm điện từ chính nơi căn bếp, phòng máy lạnh, quạt máy và từng chiếc phích cắm điện…
Làm gì để tiết kiệm điện là tiết kiệm tiền bạc? Tôi đã từng suy nghĩ như thế cho đến một ngày có dịp ghé thăm nhà cô bạn Huỳnh Như. Tôi được truyền cảm hứng từ một nếp sống xanh đã trở thành thói quen của từng thành viên trong gia đình bạn, từ việc tắt đèn khi ra khỏi phòng, bật máy lạnh vừa đủ mát đến tiết kiệm từng lượng nước sinh hoạt…

Sử dụng bóng đèn LED trong nhà vừa đủ sáng vừa bền lại không tốn quá nhiều điện năng
Ảnh: TGCC
Một chiều hè oi ả, tôi ghé thăm nhà Huỳnh Như sau lần bạn chuyển đến xã khác sinh sống. Đó là một căn nhà giản dị, ấm cúng nép sâu trong hẻm nhỏ ở ngoại ô với những chậu cây xanh mát được treo trước nhà.
Những mẹo tiết kiệm điện trong gia đình
Khi bước vào nhà, tôi đã ấn tượng trong cách bạn và gia đình sử dụng điện. Mọi thiết bị điện không dùng đến đều được rút phích cắm gọn gàng. Bóng đèn trong nhà đều là bóng đèn LED, vừa đủ sáng, vừa bền lại không tốn quá nhiều điện năng. Ngoài ra, gia đình bạn chỉ mở tủ lạnh khi thật sự cần để đỡ tốn điện.
Đặc biệt, tôi bất ngờ vì bạn sử dụng máy lạnh với mẹo rất hay. Cả gia đình ba người chỉ dùng một chiếc máy lạnh cho hai phòng ngủ. Hai phòng được ngăn cách bằng một bức tường thấp hơn trần nhà khoảng hai mươi phân, giúp không khí lạnh lưu thông qua lại. Bạn chia sẻ cả nhà chỉ cần nhiệt độ vừa đủ mát khoảng 25 đến 28 độ C. Cách sử dụng đó vừa đáp ứng nhu cầu cả nhà, vừa giúp tiết kiệm điện năng.
Bạn tôi giải thích thêm, sử dụng máy lạnh nhiều còn khiến môi trường sống nóng lên vì nhiệt thải ra từ dàn nóng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến khí hậu mà còn tác động xấu đến sức khỏe của những người sống trong khu vực. Bạn còn nhắn nhủ rằng, máy lạnh nên được vệ sinh định kỳ, nhất là ở nơi không khí ô nhiễm. Vì khi máy bám nhiều bụi, sẽ tiêu tốn nhiều điện năng hơn để việc làm mát hiệu quả.
Gia đình bạn còn ý thức trong việc tiết kiệm nước, điều mà trước đây tôi ít khi để tâm. Nước sau khi giặt quần áo được giữ lại để vệ sinh giày dép hoặc xả bồn cầu, làm sạch nhà tắm. Nước sau khi rửa rau dùng để tưới cây. Những hành động tưởng chừng rườm rà nhưng lại tiết kiệm khá nhiều nước và điện. Bởi để có nước sinh hoạt, ta cũng cần điện để bơm, làm nóng hay xử lý. Và nguồn tài nguyên thiên nhiên nào cũng đều có hạn, kể cả nước sạch.
Tôi thấy mình may mắn khi được Huỳnh Như và gia đình chia sẻ những kinh nghiệm thường thức mà hiệu quả. Những thay đổi tuy nhỏ nhưng góp lại thành một chuyển biến lớn trong nhận thức của tôi. Nhờ vậy, tôi bắt đầu để tâm hơn trong thói quen hằng ngày, như rút phích cắm quạt hay sạc điện thoại khi không sử dụng, dùng bóng đèn LED thay thế, mở cửa sổ nhiều hơn, tận dụng nước giặt để rửa sân… Giờ đây, việc tiêu thụ điện, nước chủ động và tiết kiệm giúp tôi thấy cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn, vì tôi cũng đã góp một phần sức nhỏ cho hành tinh thêm xanh.

Quạt máy và củ sạc điện thoại sau khi dùng xong luôn được nhà bạn tôi rút ra khỏi ổ cắm để tránh cháy nổ
ẢNH: TGCC

Mẹo dùng chung một máy lạnh liên thông với 2 phòng
Ảnh: TGCC
Tôi cũng muốn lan tỏa những điều này đến bạn bè, người thân… để ai cũng hiểu rằng, tiết kiệm điện không chỉ là tiết kiệm túi tiền, mà còn là lối sống để tâm đến thiên nhiên, coi trọng tài nguyên và để lại những điều đẹp cho thế hệ mai sau. Bởi mỗi người trong chúng ta, dù nhỏ bé, đều là một mắt xích trong vòng tròn lớn của sự thay đổi, vòng tròn của ý thức, trách nhiệm và yêu thương với hành tinh xanh này.
“An toàn – tiết kiệm kinh nghiệm sẻ chia” không phải là khẩu hiệu suông để sử dụng điện đúng cách, mà còn là những hành động rất cụ thể, bắt đầu từ chính căn bếp, chiếc máy lạnh, cái quạt máy hay từng phích cắm… trong nhà của mỗi gia đình chúng ta.
130 triệu đồng tiền thưởng và quà hấp dẫn đang chờ chủ nhân
Tiếp nối thành công của 2 mùa trước, cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen lần 3 An toàn – Tiết kiệm kinh nghiệm sẻ chia năm nay mở rộng thông điệp: Sử dụng điện tiết kiệm, an toàn để ngăn ngừa tai nạn, phòng chống cháy nổ.
Chúng tôi tìm kiếm những câu chuyện chân thật, kinh nghiệm hữu ích, sáng kiến hay từ chính cuộc sống, hộ gia đình, cơ quan – để cùng lan tỏa hành vi sử dụng điện thông minh, bền vững và an toàn.
Thời gian nhận bài: Từ ngày 22.4 đến 22.7.2025.
Gửi bài qua email: [email protected].
Hoặc gửi bưu điện về: Tòa soạn Báo Thanh Niên, 268-270 Nguyễn Đình Chiểu, phường Xuân Hòa, TP.HCM.
(Ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen). Thể lệ chi tiết: Xem tại thanhnien.vn.
