Từ ngày 1.7.2026, Hà Nội sẽ cấm xe máy, mô tô sử dụng động cơ đốt trong lưu thông trong phạm vi đường Vành đai 1. Tiếp đó mở rộng phạm vi đến Vành đai 2 từ 1.1.2028 và mở rộng đến khu vực Vành đai 3 kể từ năm 2030 theo Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Song song với kế hoạch này, chính quyền địa phương sẽ ban hành chính sách hỗ trợ người dân trong việc chuyển đổi phương tiện, phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông công cộng và hạ tầng trạm sạc đối với người dùng xe điện. Động thái này sẽ tác động mạnh đến thói quen di chuyển của phần lớn lực lượng tài xế công nghệ, giao hàng… đang phụ thuộc hoàn toàn vào xe máy xăng để mưu sinh.

Xe máy điện sẽ hoạt động trong khu vực Vành đai 1, Hà Nội kể từ ngày 1.7.2026
ẢNH: TÂM VÕ
Trong nhiều năm qua, xe máy xăng vẫn là lựa chọn tối ưu cho tài xế công nghệ bởi tính tiện dụng và phù hợp thói quen sinh hoạt hằng ngày. Chỉ cần vài phút đổ nhiên liệu, tài xế có thể chạy liên tục hàng chục chuyến mỗi ngày mà không bị gián đoạn.
Tuy nhiên, đằng sau sự tiện lợi đó là gánh nặng chi phí vận hành ngày một tăng cao khi giá xăng biến động liên tục. Ngoài ra, xe máy sử dụng động cơ xăng đòi hỏi nhiều hạng mục bảo dưỡng như thay dầu nhớt, vệ sinh lọc gió, kim phun, hệ thống truyền động… Quan trọng hơn, kế hoạch siết chặt khí thải trên xe máy sắp tới sẽ là rào cản khiến xe máy xăng bị hạn chế lưu thông tại nhiều khu vực.
“Cái lợi” của xe máy điện
Trong bối cảnh đất nước chuyển mình theo xu hướng điện hóa nhằm giảm ô nhiễm không khí, hướng đến Net-Zero trước 2050 nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, việc cấm xe máy xăng, chuyển đổi sử dụng sang xe máy điện là điều tất yếu. Ở góc nhìn tổng quan, xe máy điện vẫn có nhiều cái lợi, đặc biệt đối với lực lượng tài xế công nghệ, giao hàng hiện nay.
Rõ ràng nhất, xe máy điện sẽ có chi phí vận hành rẻ hơn rất nhiều so với xe máy xăng. Hiện nay, chi phí di chuyển của xe điện chỉ tiêu tốn dao động từ 70 – 100 đồng mỗi km, trong khi xe máy xăng tốn khoảng 550 – 650 đồng/km, tức gấp khoảng 7 lần.

Xe máy điện giúp tiết kiệm chi phí vận hành hiệu quả
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Với tần suất chạy hàng trăm km mỗi ngày, khoản chênh lệch này sẽ giúp người tài xế tiết kiệm được đáng kể chi phí, đồng nghĩa với việc tăng thu nhập. Bên cạnh đó, xe điện không yêu cầu thay dầu, bảo dưỡng động cơ phức tạp nên chi phí bảo dưỡng thấp hơn đáng kể.
Ở khía cạnh khác, mô-tơ điện có tốc độ phản hồi tức thì, cho khả năng tăng tốc linh hoạt ở dải tốc độ thấp, phù hợp với điều kiện vận hành trong nội thành. Một số mẫu xe máy điện dùng mô-tơ công suất lớn, cho độ bốc ấn tượng hơn xe máy xăng, giúp đáp ứng nhu cầu chở hành khách và chở hàng.
Hiện nhiều tài xế công nghệ vẫn e ngại việc sạc pin xe máy điện mất nhiều thời gian hơn so với đổ xăng và quãng đường di chuyển bị giới hạn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy với nhu cầu chạy nội thành và khu vực lân cận, trung bình mỗi ngày chỉ di chuyển khoảng 200 – 300 km.
Trên thị trường đã xuất hiện nhiều mẫu xe điện trang bị pin dung lượng lớn, cho phạm vi hoạt động hơn 200 km sau một lần sạc, phần nào giải quyết nỗi lo về quãng đường. Nếu chạy hết quãng đường trên, việc sạc pin trong 2 – 3 giờ cũng giúp tài xế tận dụng làm thời gian nghỉ ngơi, đảm bảo sức khỏe. Dù vậy, người dùng vẫn cần chủ động và có kế hoạch sạc pin đầy đủ mỗi ngày.
Dù còn tồn tại những điểm chưa hoàn hảo, xe máy điện vẫn là lựa chọn phù hợp với xu hướng tất yếu của thị trường và sự phát triển của xã hội. Đối với lực lượng tài xế công nghệ, đây không chỉ là giải pháp kinh tế nhờ tiết kiệm chi phí nhiên liệu và bảo dưỡng, mà còn là bước đi cần thiết để đảm bảo công việc ổn định khi xe xăng bị hạn chế lưu thông trong thời gian tới.