Xuất thân là nông dân, anh Nguyễn Tấn Đậu (ngụ xã Giồng Riềng, An Giang; trước đây là xã Thạnh Hòa, H.Giồng Riêng, Kiên Giang) thấu hiểu những nhọc nhằn của người làm nông, đặc biệt khi giá nông sản bấp bênh, đầu ra bế tắc. Từ đó, anh mong muốn tìm hướng đi mới để giúp gia đình và bà con cải thiện thu nhập.

Anh Nguyễn Tấn Đậu bên vườn mãng cầu xiêm của gia đình
ẢNH: DUY TÂN
“Vườn nhà và các vườn lân cận trồng mãng cầu xiêm chủ yếu bán trái. Thế nhưng vào mùa rộ, thương lái chỉ lựa mua trái đẹp, còn lại bỏ đi rất nhiều, không chỉ khiến người trồng mất thu nhập mà còn gây lãng phí. Sau khi tìm hiểu, biết mãng cầu có rất nhiều công dụng, tôi nghĩ đến việc chế biến trà”, anh Đậu kể.
Năm 2020, với khu vườn rộng 3.000 m², trồng 300 gốc mãng cầu xiêm của gia đình, anh Đậu bắt đầu thử nghiệm sản xuất trà. Được sự tư vấn của Hội Nông dân xã và bạn bè, anh từng bước hoàn thiện quy trình, từ khâu chọn nguyên liệu, sơ chế đến sấy khô và đóng gói. Trải qua nhiều lần thử nghiệm, sản phẩm trà mãng cầu xiêm 2 Đậu ra đời và nhanh chóng được người tiêu dùng đón nhận. “Để có sản phẩm như hiện tại, tôi đã phải trải qua rất nhiều thử nghiệm. Màu sắc, chất lượng, mẫu mã đều phải chỉnh sửa nhiều lần mới ưng ý”, anh Đậu cho biết.
Trà mãng cầu 2 Đậu được chế biến hoàn toàn từ phần thịt quả mãng cầu xiêm tươi, không sử dụng phẩm màu hay chất bảo quản. Đặc biệt, anh Đậu chú trọng lựa chọn nguyên liệu đúng thời điểm, nếu trái quá già sẽ đen khi sấy, còn quá non sẽ khiến trà bị chát, ảnh hưởng đến hương vị. Từng công đoạn đều được thực hiện cẩn thận, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo anh Đậu, làm trà mãng cầu trải qua nhiều công đoạn. Trái rửa sạch, gọt gai, xắt lát, thái sợi. Đặc biệt, sấy khô là công đoạn quan trọng nhất, quyết định độ ngon của trà. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Mỗi tháng cơ sở của anh Đậu cung cấp ra thị trường khoảng 100 kg trà mãng cầu
ẢNH: DUY TÂN
Điểm nổi bật của trà mãng cầu 2 Đậu không chỉ là hương vị thanh mát mà còn ở bao bì thiết kế đẹp mắt, sử dụng chất liệu giấy thân thiện với môi trường. Trà có tác dụng thanh lọc cơ thể, tăng sức đề kháng và hỗ trợ ngủ ngon. Sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Mỗi tháng, cơ sở của anh Đậu cung cấp ra thị trường khoảng 100 kg trà mãng cầu, giá bán 500.000 đồng/kg, lợi nhuận hơn 30 triệu đồng, đồng thời tạo việc làm cho 10 lao động nhàn rỗi tại địa phương với thu nhập từ 100.000 – 200.000 đồng/ngày. Sản phẩm được bán qua hệ thống đại lý, chuỗi siêu thị trong, ngoài tỉnh và sàn thương mại điện tử.
Không dừng lại ở đó, anh Đậu đang cải tạo lại vườn, trồng 500 gốc mãng cầu xiêm trên diện tích 5.000 m² để đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch. Sắp tới, anh có kế hoạch nhân rộng mô hình, hỗ trợ các hộ dân có đất trống cùng tham gia trồng mãng cầu, phát triển chuỗi sản xuất bền vững.
Hiện sản phẩm trà mãng cầu của anh đã được chính quyền địa phương, các cấp hội nông dân quan tâm, hỗ trợ về kỹ thuật, nguồn vốn để mở rộng quy mô sản xuất, giúp gia đình tăng thu nhập, đồng thời tạo công ăn việc làm cho người dân tại địa phương.