Chiều 18.7, Bộ NN-MT họp với các bộ, ngành liên quan về ứng phó cơn bão Wipha. Tại buổi họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết khi bão Wipha đi vào Biển Đông, dự báo có xu thế mạnh lên.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, chia sẻ thông tin tại buổi họp
ẢNH: C.T
Dự báo tác động của bão Wipha đối với đất liền cần tiếp tục theo dõi thêm ở các bản tin tiếp theo. Về cường độ bão, ông Khiêm cho biết dự báo của nhiều nước trong khu vực chưa thống nhất. Trong đó, mức dự báo cường độ cao nhất đang cho là cấp 12 giật cấp 15 khi đi vào phía đông đảo Hải Nam (Trung Quốc).
“Chúng tôi nhận định, sáng mai 19.7, bão sẽ đi vào Biển Đông. Ngày 21.7, khi vào sát đảo Hải Nam bão mạnh cấp 12 giật cấp 15. Tốc độ của bão Wipha sẽ tương đối nhanh và đêm 21.7 sẽ tác động tới đất liền”, ông Khiêm nói.

Thứ trưởng Bộ NN-MT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết bão Wipha có bóng dáng của cơn bão Yagi
ẢNH: K.H
Ông Khiêm cho biết, dự báo bão Wipha sẽ gây ra mưa lớn ở Bắc bộ, Bắc Trung bộ, kéo dài đến Nghệ An trong 4 ngày (từ 21 – 24.7). Lượng mưa phân bổ sẽ tùy thuộc vào hướng di chuyển của cơn bão.
“Lượng mưa ban đầu sơ bộ khoảng 200 – 300 ml/giờ, một số nơi có thể trên 500 ml”, ông Khiêm nói và cho biết đây chỉ là dự báo xa. Đến chiều 20.7, khi bão vào Biển Đông thì dự báo về gió, mưa, mức độ tác động đối với đất liền sẽ cụ thể hơn.
Đáng chú ý, khi bão Wipha đi vào đất liền thì phía sau lại sẽ có cơn bão khác và tiếp tục xuất hiện mưa trong ngày 24 – 25.7.
Thứ trưởng Bộ NN-MT Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý, bão Wipha có bóng dáng của bão Yagi (bão số 3, tháng 9.2024) vì “đường đi có vẻ giống nhau”.
“Cạnh đó, khi vào Biển Đông cũng mạnh lên thì có vẻ giống nhau, hy vọng không mạnh như bão Yagi, nếu tan trên biển thì càng tốt hơn”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Bản đồ đường đi của bão Wipha khi vào Biển Đông được phát đi lúc 8 giờ ngày 18.7
ẢNH: NCHMF
Trước đó, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, sáng 18.7, áp thấp nhiệt đới trên vùng biển Philippines đã mạnh lên thành bão, cơn bão Wipha.
Lúc 7 giờ ngày 18.7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,0 độ vĩ bắc; 124,5 độ kinh đông, trên vùng biển phía đông đảo Luzon (Philippines). Bão mạnh cấp 8 (62 – 74 km/giờ), giật cấp 10; di chuyển theo hướng tây bắc với tốc độ khoảng 20 km/giờ.
Cục Khí tượng thủy văn (Bộ NN-MT), dự báo trong 24 giờ tới, bão Wipha sẽ di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ 20 – 25 km/giờ. Tối 19.7, bão sẽ vượt qua đảo Luzon, đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 3 năm 2025 với gió mạnh cấp 10, giật cấp 12.
Sau khi vào Biển Đông, bão số 3 tiếp tục mạnh lên, đạt cấp 11 – 12 và khả năng cao sẽ ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam vào ngày 22.7.