Golfer Thái Lan và cảm hứng thần thánh từ Phật giáo

Golfer Thái Lan và cảm hứng thần thánh từ Phật giáo

bởi

trong

IrelandTrong khi nhiều đồng nghiệp mất bình tĩnh, golfer Thái Lan đứng thứ 262 thế giới Sadom Kaewkanjana vẫn điềm tĩnh putt từ 63 feet tại “hiểm địa” Calamity Corner để chỉ kém đỉnh bảng major The Open 2025 một gậy.

Khi gió và mưa thử thách sự kiên nhẫn của ngay cả những golfer hay nhất tại Royal Portrush, một người vẫn giữ được sự bình tĩnh kinh ngạc. Thứ hạng thế giới của Sadom có thể không nổi bật ở vị trí 262, nhưng nền tảng tu tập Phật giáo bất ngờ trở thành ưu thế giúp golfer 27 tuổi này hoàn thành vòng đầu The Open 2025 với 68 gậy, ít hơn chuẩn 3 gậy và chỉ kém người dẫn đầu một gậy.





Golfer Thái Lan và cảm hứng thần thánh từ Phật giáo

Sadom Kaewkanjana trên sân Royal Portrush ở vòng đầu The Open 2025, Bắc Ireland ngày 17/7. Ảnh: AFP

Sadom là ngôi sao đang lên của golf Thái Lan và từng ba lần vô địch trên Asian Tour, trong đó mới nhất là hồi tháng 5 vừa qua. Nhưng năm 2023, anh quyết định tạm gác sự nghiệp nhà nghề, để dành thời gian nghiên cứu giáo lý Phật giáo, thiền định và đảm nhận vai trò “người dẫn dắt tinh thần” trong cộng đồng. “Tôi xuất gia vì muốn tích công đức và báo hiếu cha mẹ”, Sadom kể. “Khi xuất gia, tôi tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Tôi bình tâm hơn, tập trung hơn, và nhờ vậy cải thiện kỹ năng golf của mình”.

Sadom đã chứng minh xuất sắc điều này khi hoàn thành nửa đầu vòng mở màn tại Royal Portrush của Bắc Ireland với ba gậy âm, khởi đầu bằng một cú birdie tại hố par-5 thứ 2. Tiếp đến là cú phát ấn tượng dài 328 yard tại hố par-4 ngắn thứ năm, giúp anh có cơ hội thực hiện cú putt 28 feet để ghi eagle.

Trong khi các đối thủ như Jon Rahm và Tyrrell Hatton dần mất bình tĩnh, Sadom vẫn vững phong độ. Anh bỏ qua lỗi bogey tại hố 11 và giành được một điểm hiếm hoi tại Calamity Corner – hố 16 par-3 đầy thử thách dài 236 yard.

Sau khi đưa bóng vào khu vực tương đối an toàn của Bobby Locke’s Hollow bên trái green, Sadom không thể kìm nén được cảm xúc sau cú putt 63 feet, bởi anh có kinh nghiệm rất hạn chế trên loại sân links – sân ven biển trên những cồn cát, với địa hình gồ ghề, nhiều bẫy cát và gió lớn. Đây cũng mới chỉ là lần thứ hai golf thủ người Thái tham dự The Open, sau thành tích đồng hạng 11 tại St Andrews năm 2022 trong điều kiện thời tiết nắng đẹp hơn.

“Thật ra, ở Thái Lan không có sân links”, Sadom chia sẻ. “Tôi thực sự thích chơi trên sân links. Thật thú vị khi được thi đấu trong điều kiện gió to và khắc nghiệt như thế này”.

Quan điểm của Sadom đi ngược với nhiều golfer tại The Open kỳ này, khi điều kiện thời tiết thuận lợi vào buổi sáng sớm dần nhường chỗ cho một cực hình. Jason Day mô tả dự báo thời tiết là “kiểu thời tiết điên rồ nhất tôi từng thấy” và nói rằng anh “rất muốn làm người dự báo thời tiết ở đây, vì sẽ luôn đoán sai”. Tuy nhiên, sự tập trung theo phong cách Thiền tông của Sadom đã đóng vai trò then chốt và giúp anh giữ vững phong độ lúc bầu trời tại Royal Portrush tối sầm lại.

“Thiền định giúp tôi tập trung cả trên sân golf lẫn ngoài đời”, Sadom kể. “Nó giúp tôi tập trung cao độ, quên đi mọi thứ bên ngoài, chỉ sống trong hiện tại, nên tôi rất thích làm một nhà sư”. Cái tâm bất biến đó có lẽ cũng đã giúp anh vượt qua cảm giác khó chịu khi hành lý bị thất lạc trong chuyến đi đến Bắc Ireland dự giải.





Sadom thời còn xuất gia. Ảnh: The Times

Sadom thời còn xuất gia. Ảnh: The Times

Sadom sở hữu cả kỹ năng lẫn tâm lý để duy trì phong độ. Phép màu anh tạo ra ở hố 16 là điểm sáng hiếm hoi tại Calamity Corner, một trong những hố par-3 khét tiếng nhất làng golf thế giới với những cơn gió thổi mạnh từ biển Đại Tây Dương, khiến tỷ lệ golf thủ đánh trúng green rất thấp.

Nếu hố cây bụi ngay trước green được The R&A (CLB golf Hoàng gia và Cổ điển St Andrews) mô tả là một “hố sâu hun hút”, thì khe núi sâu 50 feet bên phải có thể ví như một nấm mồ. Khi gió bắt đầu thổi mạnh, nó nhanh chóng có nạn nhân đầu tiên. Niklas Norgaard là một golfer giỏi, nhưng cú tee shot của anh lại đi quá sâu vào bụi rậm cao đến đầu gối. Golfer Đan Mạch nhẹ nhõm khi quả bóng được tìm thấy trong một bụi cây nhỏ, nhưng tiếp đến, một cú đánh hỏng đã dẫn đến điểm bogey kép.

Kể từ đó, thảm họa liên tiếp diễn ra với các golfer khác. Trong số 8 nhóm tiếp theo, hố 16 chỉ mang lại hai birdie và thu về 10 bogey cùng một bogey kép. Cameron Young có cú đánh tệ đến mức anh chỉ đưa bóng đi được 6 yard trong lần thử đầu tiên. Lee Westwood suýt đi vào vết xe đổ, nhưng xuất sắc cứu vãn được một bogey. “Tôi bị tuột gậy và trượt chân cùng lúc, điều kiện không lý tưởng chút nào”, anh than thở. “Bất cứ khi nào gió thổi vào, bóng bay lệch sang trái, trời mưa và cờ cắm thì nằm bên phải, thế đánh là quá khó”.

Hoàng Thông (theo The Times)