Một kim loại tăng mạnh hơn vàng, giới đầu tư đang âm thầm ‘săn đón’

Một kim loại tăng mạnh hơn vàng, giới đầu tư đang âm thầm ‘săn đón’

bởi

trong

Chiều ngày 18.7, Công ty vàng bạc đá quý Sacombank-SBJ tăng giá bạc miếng Kim – Phúc- Lộc 999 loại 1 lượng thêm 15.000 đồng, giá mua vào lên 1,46 triệu đồng, bán ra 1,5 triệu đồng. Tương tự, Công ty Phú Quý tăng giá bạc loại 1 lượng mua vào lên 1,457 triệu đồng, bán ra 1,502 triệu đồng… So với thời điểm đầu năm, mỗi lượng bạc đã tăng 400.000 đồng, tương đương với mức tăng lên tới 34%. Trên thị trường thế giới, giá bạc cũng đã tăng 10 USD/ounce, tương đương mức đi lên 36% so với đầu năm. 

Ngày 18.7, giá bạc thế giới tăng thêm 0,48%, lên hơn 38,26 USD/ounce. Tốc độ tăng giá của bạc trên thế giới đã vượt khỏi mức tăng giá của vàng. Giá bạc tăng 36% trong khi vàng tăng chưa 27%. Giá bạc thế giới đang ở mức cao nhất trong vòng 14 năm trở lại đây.

Một kim loại tăng mạnh hơn vàng, giới đầu tư đang âm thầm ‘săn đón’

Giá bạc tăng từng ngày

ẢNH: T.X

Theo đánh giá của các chuyên gia vàng bạc thế giới, bạc đang thoát khỏi cái bóng quá lớn của vàng, kim loại quý “chị em của nó” kể từ khi Nga công bố vào cuối tháng 9 năm ngoái rằng họ có kế hoạch thêm bạc vào Quỹ dự trữ nhà nước lần đầu tiên. Theo bảng dự thảo Ngân sách Liên bang tháng 9.2024, chính phủ Nga đang cân nhắc chi 51 tỉ rúp (535,5 triệu đô la) trong ba năm tới để bổ sung dự trữ kim loại quý. Mặc dù vàng là một tài sản quan trọng trong dự trữ ngoại hối, nhưng đề xuất này cho thấy chính phủ Nga đang tìm cách mở rộng dự trữ của mình để bao gồm các kim loại nhóm bạc và bạch kim.

Một phần lý do khiến bạc tăng 30,6% kể từ đầu tháng 1 so với mức tăng 27% của vàng là do bạc đang cố gắng bắt kịp vàng, vốn là ngôi sao của ngành hàng hóa trong ba năm qua. Cũng có những dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đã tạm dừng đầu tư vào vàng, vốn đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2022, ban đầu được thúc đẩy bởi hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương và sau đó các nhà đầu tư tư nhân đã tham gia vào thị trường.

Nếu Ngân hàng Trung ương Nga đang âm thầm xây dựng một kho dự trữ bạc, như có vẻ đang diễn ra, thì có thể thấy các ngân hàng khác cũng sẽ bắt chước Nga. Các đối tác BRICS của Nga, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, cũng có thể tham gia vào chiến lược tích lũy kim loại quý của họ để tránh sử dụng đồng đô la Mỹ trong thương mại quốc tế.

Ngoài ra, các yếu tố khác hỗ trợ sức hấp dẫn đầu tư của bạc là nhu cầu công nghiệp, chủ yếu từ các ngành năng lượng xanh và điện tử cùng với việc sử dụng bạc trong đồ trang sức như một chất thay thế vàng tại các thị trường mà kim loại màu vàng này được coi là quá đắt. Đồng thời, nhu cầu đầu tư vào bạc, càng được coi là vật thay thế vàng cũng khiến dòng tiền đổ vào, nhiều hơn làm giá gia tăng.