Chung tay nỗ lực loại trừ các bệnh ung thư do HPV

Chung tay nỗ lực loại trừ các bệnh ung thư do HPV

bởi

trong

Chiến dịch được Bộ Y tế phát động ngày 29/3, với trọng tâm là mở rộng độ bao phủ tiếp cận, tăng cường kết nối với các tổ chức y tế và cơ quan ban ngành để triển khai giải pháp truyền thông đồng bộ, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về HPV, các bệnh và ung thư do HPV – đặc biệt là ung thư cổ tử cung, và các biện pháp dự phòng nhiễm HPV.

Chung tay nỗ lực loại trừ các bệnh ung thư do HPV

Chiến dịch truyền thông toàn quốc “Vì một Việt Nam không gánh nặng bởi HPV” do Bộ Y tế phát động hướng đến cung cấp thông tin khoa học chính xác qua các chương trình giáo dục sức khỏe cộng đồng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Trong khuôn khổ của chiến dịch, một loạt hội thảo khoa học đã được tổ chức, quy tụ hàng nghìn cán bộ y tế và diễn giả chuyên môn đến từ nhiều chuyên khoa như y học dự phòng, sản phụ khoa, nhi khoa, da liễu và ung thư. Các đại biểu tham dự đến từ các hiệp hội, viện nghiên cứu, bệnh viện đầu ngành trong nước và quốc tế, trong đó có Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TPHCM.

GS.TS. Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, chia sẻ việc chung tay cùng nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động phòng ngừa HPV trong cộng đồng là cần thiết. Vaccine là một thành tựu y học dự phòng mang tính cách mạng, trao cho mọi người công cụ mạnh mẽ để ngăn ngừa ung thư do HPV ngay từ gốc. Nền tảng của sự tin cậy này đến từ các thử nghiệm lâm sàng đa quốc gia được thiết kế chặt chẽ, vốn là tiêu chuẩn vàng trong y học.

Sau gần 20 năm được đưa vào sử dụng trên quy mô toàn cầu, hiệu quả bảo vệ trong đời thực của vaccine càng trở nên rõ ràng. Các báo cáo khoa học uy tín đã ghi nhận sự sụt giảm có ý nghĩa các bệnh do HPV ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao. Khoa học đã cung cấp một giải pháp rõ ràng và đã được kiểm chứng.

Việc chủ động bảo vệ sức khỏe thông qua tầm soát định kỳ, duy trì lối sống lành mạnh và tiếp cận các tiến bộ y học hiện đại là những yếu tố then chốt trong phòng ngừa bệnh tật, không nên chần chừ trước cơ hội bảo vệ sức khỏe này – do dự hôm nay, rủi ro ngày mai.

Theo PGS. TS. Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng viện Pasteur TPHCM, vaccine phòng HPV đã được triển khai trên 194 quốc gia và đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia tại nhiều nước, trong đó có 9 nước Đông Nam Á. Tỷ lệ bao phủ của vaccine dao động 42-86 % tại Hoa Kỳ, Canada, Liên minh châu Âu. Tính đến năm 2023, có 6 loại vaccine HPV có sẵn trên toàn cầu.

Lễ phát động chiến dịch “Vì một Việt Nam không gánh nặng bởi HPV” là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, thể hiện quyết tâm của ngành y tế trong việc đẩy lùi bệnh tật, bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân Việt Nam. Sự kiện có sự tham dự của Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper, đại diện các tổ chức quốc tế…

Một trong những điểm nhấn của chiến dịch là triển lãm cộng đồng “Vì một Việt Nam không gánh nặng bởi HPV”, ứng dụng công nghệ AI để cung cấp trải nghiệm tương tác, giúp người dân tìm hiểu về HPV, cách phòng tránh và vai trò quan trọng của tiêm chủng.

Chung tay nỗ lực loại trừ các bệnh ung thư do HPV - 2

Một trong những điểm nhấn của chiến dịch là triển lãm cộng đồng “Vì một Việt Nam không gánh nặng bởi HPV”, ứng dụng công nghệ AI để cung cấp trải nghiệm tương tác, giúp người dân tìm hiểu về HPV, cách phòng tránh và vai trò quan trọng của tiêm chủng.

HPV (Human Papillomavirus) là virus gây u nhú ở người, có thể dẫn đến nhiều bệnh lý nghiêm trọng như ung thư cổ tử cung, hậu môn, âm đạo, âm hộ, và mụn cóc sinh dục ở cả nam và nữ. Theo số liệu từ Globocan 2022, mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 6.200 ca ung thư liên quan đến HPV, và hơn 2.500 phụ nữ tử vong do ung thư cổ tử cung.

Nếu không có biện pháp can thiệp hiệu quả, dự báo đến năm 2070, số phụ nữ tử vong do căn bệnh này có thể lên đến 200.000 người. Những con số này nhấn mạnh tính cấp thiết của việc triển khai truyền thông sâu rộng và các giải pháp phòng ngừa hiệu quả.

Theo Nghị quyết 104/NQ-CP ngày 15/08/2022 của Chính phủ về lộ trình tăng số lượng vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021-2030, vaccine phòng HPV là một trong số bốn vaccine mới sẽ được đưa vào chương trình.