Mục tiêu đưa nửa triệu lao động ra nước ngoài làm việc 5 năm tới

Mục tiêu đưa nửa triệu lao động ra nước ngoài làm việc 5 năm tới

bởi

trong

Sáng 18/7, Cục Quản lý lao động ngoài nước tổ chức Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025. Sự kiện có sự tham dự của ông Nguyễn Văn Hồi, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cùng nhiều lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ. 

Ông Vũ Trường Giang, Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng của Đảng viên, công chức, viên chức và người lao động cơ quan. Đại hội có nhiệm vụ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025; xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ 2025-2030. Phương châm của Đại hội nhiệm kỳ 2025-2030 là: Kỷ cương – Nền nếp – Đổi mới – Sáng tạo. 

Đưa tối thiểu 500.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2026-2030

Trong nhiệm kỳ 2020-2025, công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được triển khai trong bối cảnh dịch Covid-19 và nhiều biến động quốc tế. Tuy vậy, kết quả đạt được vẫn tích cực. Số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài ngày càng tăng, với hơn 700.000 người đang làm việc theo hợp đồng, trung bình mỗi năm phái cử khoảng 150.000 người, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao. Năm 2024, có hơn 158.000 lao động được đưa đi nước ngoài; sáu tháng đầu năm 2025 đạt hơn 74.000 người, bằng 57,5% kế hoạch năm. Lượng kiều hối người lao động gửi về nước ước đạt 5 tỷ USD mỗi năm.

Cục đã tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành 1 luật, 2 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng và 4 thông tư, tạo hành lang pháp lý cho công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, Cục đàm phán và ký kết hơn 60 thỏa thuận hợp tác quốc tế, trong đó Nhật Bản có 17 thỏa thuận, Hàn Quốc có 6 thỏa thuận – là hai thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất hiện nay.

Đến tháng 5, cả nước có 507 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó 70% đặt trụ sở tại Hà Nội, 15% tại TPHCM, còn lại ở các tỉnh khác. Các doanh nghiệp chủ động đầu tư đào tạo, mở rộng thị trường, chuyển hướng sang tuyển chọn lao động kỹ thuật, điều dưỡng, công nghệ, nông nghiệp. Cục đã tiến hành thanh tra 69 doanh nghiệp, kiểm tra 23 doanh nghiệp (trong đó 4 đột xuất), ban hành 67 quyết định xử phạt với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng và đề xuất thu hồi giấy phép của 10 doanh nghiệp.

Mục tiêu đưa nửa triệu lao động ra nước ngoài làm việc 5 năm tới

Ông Vũ Trường Giang, Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước (Ảnh: Trung Kiên).

Bước sang nhiệm kỳ mới, Đảng bộ đặt mục tiêu xây dựng tổ chức trong sạch, vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và đưa tối thiểu 500.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2026-2030. Trong 6 tháng cuối năm 2025, Đảng bộ tập trung khắc phục các khuyết điểm, phấn đấu từ năm 2026 trở đi đạt danh hiệu “Đảng bộ hoàn thành nhiệm vụ” hằng năm.

Ba nhóm giải pháp đột phá được xác định là: hoàn thiện thể chế theo hướng đồng bộ, phân cấp mạnh cho địa phương và tăng cường hậu kiểm; cải cách mạnh thủ tục hành chính, chuyển đổi số toàn diện hướng tới 100% thủ tục thực hiện trực tuyến toàn trình; sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả, nâng cao chất lượng cán bộ.

Cục sẽ tập trung xây dựng chiến lược dài hạn, mở rộng thị trường có thu nhập cao và điều kiện làm việc an toàn cho người lao động Việt Nam. Các ngành nghề ưu tiên gồm cơ khí, luyện kim, chế biến nông – lâm – thủy sản, điện tử – viễn thông và năng lượng tái tạo. Công tác phối hợp với địa phương trong quản lý doanh nghiệp và người lao động sẽ được đẩy mạnh, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm phòng ngừa tiêu cực, bảo vệ quyền lợi người lao động.

Cục đặt mục tiêu nâng cấp cơ sở dữ liệu quản lý người lao động và kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cổng dịch vụ công quốc gia, đảm bảo cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, công khai, minh bạch.

Trình bày báo cáo góp ý tại Đại hội, đại diện phòng Thị trường châu Á, châu Phi thuộc Cục Quản lý lao động ngoài nước, giới thiệu một trong những giải pháp nổi bật thời gian qua là ứng dụng DOLAB-JICA – nền tảng số được phát triển từ dự án hợp tác giữa Việt Nam và Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Mục tiêu đưa nửa triệu lao động ra nước ngoài làm việc 5 năm tới - 5

Cục đặt mục tiêu nâng cấp cơ sở dữ liệu quản lý người lao động và kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Ảnh: Trung Kiên).

Ứng dụng này cho phép người lao động trực tiếp tiếp cận các thông tin tuyển dụng chính thức từ những doanh nghiệp đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước thẩm định, qua đó giảm thiểu nguy cơ bị môi giới lừa đảo, thu phí bất hợp pháp.

“Đưa lao động ra nước ngoài làm việc là trụ cột đối ngoại quan trọng của Việt Nam”

Phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi khẳng định vai trò tiên phong, đóng góp lớn lao của lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong suốt hơn bốn thập kỷ qua.

Theo Thứ trưởng, ngay từ những năm 1980, trong bối cảnh đất nước còn nghèo, thu nhập bình quân đầu người còn rất thấp, hoạt động xuất khẩu lao động đã mang lại những kết quả quan trọng. Hàng chục nghìn lao động Việt Nam được đưa sang làm việc tại các nước Đông Âu, Liên Xô, Ba Lan, Hungary… góp phần tạo dựng cuộc sống ổn định cho gia đình, đóng góp vào bình ổn thị trường ngoại hối và công cuộc xóa đói giảm nghèo. 

“Gia đình nào có người đi lao động ở Đông Âu thời đó là có cơ hội thoát nghèo, cuộc sống khấm khá hơn. Đó là minh chứng sống động cho hiệu quả của chính sách đưa lao động ra nước ngoài làm việc”, Thứ trưởng Hồi chia sẻ .

Mục tiêu đưa nửa triệu lao động ra nước ngoài làm việc 5 năm tới - 6

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi khẳng định đóng góp lớn lao của lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong suốt hơn bốn thập kỷ qua (Ảnh: Trung Kiên).

Trải qua 45 năm, Việt Nam đã đưa gần 3 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài. Những năm cao điểm như 2024, có đến 158.000 lao động được phái cử, chủ yếu đến các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Đặc biệt, Việt Nam hiện không còn tập trung vào các nước thu nhập thấp hay ngành nghề giản đơn.

Theo Thứ trưởng, xuất khẩu lao động không chỉ là lĩnh vực kinh tế – xã hội quan trọng, mà còn là một trong những trụ cột đối ngoại của Việt Nam. Ông dẫn chứng việc Tổng Bí thư và Chủ tịch Quốc hội trong nhiều chuyến công tác nước ngoài đều nhấn mạnh và kiến nghị các nước quan tâm đến hợp tác lao động với Việt Nam.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng là nơi đào tạo, rèn luyện nhiều cán bộ trưởng thành, trong đó có nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng và Chính phủ, bao gồm một số đồng chí Thứ trưởng. 

“Đây là niềm tự hào của toàn ngành và khẳng định vị thế của Cục trong hệ thống chính trị”, ông nói.

Nhấn mạnh vai trò của lĩnh vực này trong chiến lược phát triển quốc gia, Thứ trưởng Hồi cho biết Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác đưa người lao động ra nước ngoài làm việc. Một số chỉ tiêu liên quan đã được đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế – xã hội.

Đồng tình với đánh giá và phương hướng nhiệm kỳ 2026-2030 mà Đại hội đã xác định, ông đề nghị toàn thể cán bộ, đảng viên Cục Quản lý lao động ngoài nước tập trung thực hiện tốt một số mục tiêu trọng tâm.

Thứ nhất, thực hiện triệt để các mục tiêu trong báo cáo chính trị và dự thảo Nghị quyết Đại hội, nhất là việc phát triển thị trường việc làm nhà nước, nâng cao chất lượng và số lượng việc làm.

Thứ hai, xem việc đưa lao động ra nước ngoài làm việc không chỉ là hoạt động kinh tế mà là một kênh đối ngoại chiến lược, góp phần thúc đẩy hợp tác quốc tế của Việt Nam.

Thứ ba, khôi phục hình ảnh tích cực của lĩnh vực đưa người lao động đi nước ngoài, xây dựng lại uy tín, niềm tin và thương hiệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước – một đơn vị đã có bề dày 45 năm đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Đưa ra những định hướng về giải pháp cho nhiệm kỳ mới, Thứ trưởng yêu cầu Cục rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, xóa bỏ sự chồng chéo trong quản lý, tinh gọn tổ chức theo hướng tăng hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, quan tâm bố trí cán bộ có năng lực vào cấp ủy sau đại hội.

Ông đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu cải cách thể chế, loại bỏ những thủ tục hành chính phát sinh gây khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương và cải cách hành chính toàn diện từ ngay 6 tháng cuối năm 2025.

“Đây cũng là cách phòng ngừa sai phạm, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động của Cục an tâm công tác”, ông nói.

Ngoài ra, Cục cần triển khai hiệu quả ba đột phá chiến lược và bốn Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị. Bảo vệ những cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo; đồng thời khẩn trương ban hành chương trình hành động cụ thể để triển khai Nghị quyết Đại hội.

“Kỳ Đại hội lần này phải trở thành dấu ấn của đổi mới, sáng tạo và thay đổi cách nghĩ, cách làm trong toàn bộ hệ thống”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh.