Một phụ nữ 20 tuổi vừa phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng phồng rộp, đau rát 10 đầu ngón tay sau khi thái khoảng 10 quả ớt hiểm mà không đeo găng tay.
Bệnh nhân là chị T.N.T., 20 tuổi, đã tự xử trí tại nhà bằng cách ngâm nước đá lạnh trong 1 giờ nhưng không cải thiện. Tại cơ sở y tế ở TP.HCM, các bác sĩ chẩn đoán chị T. bị viêm da do tiếp xúc trực tiếp với capsaicin – hoạt chất tạo vị cay trong ớt, hay còn gọi là bỏng ớt.
Chị T. được điều trị bằng thuốc giảm đau, kháng viêm và xịt trực tiếp thuốc chứa hoạt chất panthenol (có tác dụng dưỡng ẩm và làm dịu da).
Sau hơn 1 giờ can thiệp, tình trạng đau rát, khó chịu của cô gái đã cải thiện và được xuất viện. “Đây là lần đầu tôi gặp tình trạng này. Trước đây tôi vẫn nấu ăn, thái ớt bình thường nhưng chưa từng bị bỏng phải cấp cứu”, bệnh nhân chia sẻ.

Tay cô gái bị bỏng ớt thời điểm đi cấp cứu (Ảnh: PK).
Bác sĩ chuyên khoa 1 Hồ Ngọc Bảo, người trực tiếp điều trị cho chị T., giải thích rằng capsaicin trong ớt không gây bỏng như bỏng nhiệt hay bỏng lạnh, mà kích thích mạnh các đầu dây thần kinh cảm giác, gây nóng rát dữ dội.
Tình trạng này thường gặp ở những người chế biến ớt bằng tay trần hoặc vô tình chạm tay dính ớt vào các vùng nhạy cảm như mắt, mũi, khoang miệng. Capsaicin cũng có thể gây sưng đỏ, ngứa, thậm chí phồng rộp nhẹ ở người có làn da nhạy cảm hoặc tiếp xúc với nồng độ cao.
Bác sĩ Bảo cũng lưu ý rằng capsaicin không tan trong nước mà tan trong dầu, do đó nước lạnh không thể làm dịu cảm giác bỏng.
“Trường hợp bỏng ớt nhẹ, cách xử trí đúng là dùng các chất béo để trung hòa capsaicin như dầu ăn, sữa tươi, sữa chua… bôi lên vùng da bị tổn thương, để yên vài phút và rửa lại bằng xà phòng. Nếu bị cay trong miệng, nên ngậm sữa hoặc ăn cơm trắng, bánh mì để hấp thu capsaicin”, bác sĩ Bảo hướng dẫn.
Đối với trường hợp capsaicin dính vào mắt, người bệnh cần rửa ngay bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý liên tục trong ít nhất 15 phút, tuyệt đối không dụi mắt để tránh trầy giác mạc hoặc viêm kết mạc.
Bác sĩ nhấn mạnh, sau khi sơ cứu, nếu vùng da bị đỏ kéo dài hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được xử lý đúng cách. Để phòng tránh bỏng ớt, người nội trợ nên mang găng tay khi chế biến món ăn với ớt, rửa tay kỹ sau khi tiếp xúc và tuyệt đối tránh đưa tay tiếp xúc mắt, mũi.