Thực hư chuyện Hà Nội sẽ hỗ trợ mỗi người dân 3 triệu để chuyển đổi “xanh”

bởi

trong

Những ngày gần đây, Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và những thông tin xoay quanh là những chủ đề “nóng” nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân, đặc biệt là những người đang sinh sống và làm việc trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu TP Hà Nội thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 1/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1. Một trong những giải pháp được đưa ra gồm hỗ trợ người dân thu mua xe máy xăng và hỗ trợ bằng tài chính để chuyển đổi xe máy điện.

Trong đó, có thông tin Hà Nội dự kiến sẽ hỗ trợ mỗi người dân 3-5 triệu đồng để chuyển đổi xe máy điện trong Vành đai 1, tạo nhiều tranh cãi trong cộng đồng. Tuy nhiên, những chia sẻ của khách mời trong buổi tọa đàm trực tuyến “Chuyển đổi xe máy xăng ở nội đô: Vì một Hà Nội xanh” (sáng ngày 18/7) do báo Dân trí phối hợp cùng Văn phòng UBND TP Hà Nội đã làm rõ thông tin này.

Thực hư chuyện Hà Nội sẽ hỗ trợ mỗi người dân 3 triệu để chuyển đổi xanh - 1

Tọa đàm trực tuyến do báo Dân trí tổ chức cùng Văn phòng UBND TP Hà Nội có sự góp mặt của nhiều khách mời đại diện cho các Sở, ngành được giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng đề án thực hiện theo Chỉ thị 20 của Thủ tướng (Ảnh: Dân trí).

Cụ thể, trong khuôn khổ buổi tọa đàm, ông Phan Trường Thành – Trưởng phòng Tài chính – Đầu tư Sở Xây dựng Hà Nội đính chính, thông tin trên là nội dung “thuộc sản phẩm nghiên cứu của đơn vị tư vấn, đề xuất trong dự thảo nghị quyết với một loạt các cơ chế, chính sách đi kèm”.

Ông Thành khẳng định, đây chưa phải là nội dung kết luận cuối cùng cũng như quyết định của thành phố Hà Nội. Nguyên nhân là bởi nội dung này liên quan đến ngân sách chung nên cần phải trải qua nhiều quy trình cũng như thủ tục đầy đủ.

“Xây dựng một nghị quyết sử dụng ngân sách của thành phố qua 17 bước, từ cấp cơ sở lên qua thẩm định các bước, lấy ý kiến phản biện xã hội, thông qua Mặt trận Tổ quốc, thẩm định của các ban của Ủy ban Thành phố rồi đến Hội đồng nhân dân thành phố biểu quyết để đưa ra mức cuối cùng”, ông Thành chia sẻ thêm.

Thực hư chuyện Hà Nội sẽ hỗ trợ mỗi người dân 3 triệu để chuyển đổi xanh - 2

“Tôi cho rằng mức hỗ trợ gì đi chăng nữa cũng phải đặt người dân lên hàng đầu” – ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Tài chính – Đầu tư Sở Xây dựng Hà Nội nhấn mạnh (Ảnh: Thành Đông).

Ngoài các hỗ trợ về tài chính giúp người dân có thể chủ động thay đổi hình thức phương tiện cá nhân, thành phố Hà Nội sẽ đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông công cộng.

Cũng theo ông Phan Trường Thành, trong Vành đai 1 hiện nay có 45 tuyến xe buýt hoạt động và theo chỉ đạo mới nhất của Giám đốc Sở Xây dựng, Hà Nội sẽ đưa bổ sung một loạt xe buýt điện cỡ nhỏ để có thể phù hợp với kết cấu mặt cắt đường của các tuyến đường để người dân tiếp cận cách thuận tiện nhất. Bên cạnh đó, vị này nhận định, “biện pháp lâu dài là đầu tư mạng lưới metro”.

Ngoài việc cấm xe mô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1 từ 1/7/2026, lộ trình còn mở rộng ra phạm vi trong Vành đai 2 từ ngày 1/1/2028, đồng thời hạn chế thêm xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Từ năm 2030, tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3, theo yêu cầu của Thủ tướng.