Ngân hàng ban hành danh mục ngành nghề loại trừ, hạn chế cấp tín dụng, đẩy mạnh các gói vay xanh trong nông nghiệp và năng lượng tái tạo để thúc đẩy tài chính xanh.
Agribank vừa ban hành “Danh sách ngành, nghề kinh doanh loại trừ và hạn chế cấp tín dụng về môi trường và xã hội”, nhằm sàng lọc tín dụng theo hướng xanh và bền vững.
Trong danh mục này, các ngành bị loại trừ cấp tín dụng gồm sản xuất, kinh doanh sản phẩm bất hợp pháp; buôn bán chất thải nguy hại xuyên biên giới; sản xuất vũ khí; phá hủy khu bảo tồn thiên nhiên và buôn bán chất thải nguy hại xuyên biên giới. Ngân hàng khẳng định sẽ không cấp vốn cho những lĩnh vực có nguy cơ gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường và xã hội.
Nhóm ngành bị hạn chế cấp tín dụng gồm phá dỡ tàu biển, sản xuất – kinh doanh vật liệu phóng xạ, casino, amiăng dạng thô… Các trường hợp này sẽ được ngân hàng thẩm định chặt chẽ, cấp vốn có điều kiện và theo tiêu chuẩn môi trường – xã hội nghiêm ngặt.
Danh mục được ngân hàng công bố ngay sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định 21 ngày 4/7/2025, quy định tiêu chí môi trường và xác nhận dự án đầu tư xanh. Đây là cơ sở pháp lý thúc đẩy hình thành hệ sinh thái tài chính bền vững tại Việt Nam, tạo điều kiện cho tín dụng xanh, trái phiếu xanh và các công cụ hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực thân thiện môi trường.
Theo quy định, các dự án năng lượng tái tạo, giao thông xanh, xử lý chất thải, nông nghiệp bền vững… nếu đáp ứng tiêu chí môi trường sẽ được hưởng ưu đãi về vốn và tín dụng. Việc Agribank ban hành danh mục loại trừ, hạn chế cấp tín dụng được xem là bước đi bổ trợ cho chủ trương của Chính phủ, giúp hình thành bộ lọc đầu vào rõ ràng cho dòng vốn tín dụng xanh.

Cán bộ Agribank tư vấn cấp tín dụng cho một nhà máy điện gió. Ảnh: Agribank
Song song với việc ban hành chính sách, Agribank cũng triển khai các gói vay tín dụng xanh quy mô lớn, gồm: gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dành cho các dự án thuộc ngành trọng điểm và lĩnh vực xanh; gói 50.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sạch; đồng thời dành riêng 10.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi tín dụng xanh với khách hàng cá nhân.
Một số dự án đã nhận được nguồn vốn xanh từ Agribank có thể kể đến như: nhà máy điện mặt trời tại Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa; điện gió quy mô nhỏ tại Bình Thuận; chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo phát thải thấp ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong lĩnh vực nông thôn, Agribank cũng tài trợ cho các chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường, cấp vốn cho hộ gia đình đầu tư hệ thống xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt, chăn nuôi hữu cơ, trồng trọt theo hướng tuần hoàn – hữu cơ.

Một mô hình nông nghiệp sạch, công nghệ cao tại Hà Nội từ nguồn vốn của Agribank. Ảnh: Agribank
Đại diện Agribank cho biết, việc ban hành danh mục ngành nghề loại trừ, hạn chế cấp tín dụng không chỉ giúp kiểm soát rủi ro tín dụng mà còn thể hiện cam kết của ngân hàng trong thúc đẩy phát triển bền vững.
Là ngân hàng chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank định hướng dòng vốn vào các lĩnh vực thân thiện môi trường, hỗ trợ người dân sản xuất sạch, an toàn và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây cũng là cách ngân hàng góp phần thực hiện các mục tiêu trong Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Về dài hạn, Agribank sẽ tiếp tục mở rộng quy mô tín dụng xanh, hoàn thiện khung quản lý rủi ro môi trường – xã hội (ESG), đồng thời hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để đa dạng hóa sản phẩm tài chính bền vững, thúc đẩy mô hình kinh doanh có trách nhiệm và nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng.
(Nguồn: Agribank)