Lợi nhuận TPBank đạt hơn 4.100 tỷ đồng tăng 12% nhờ đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn thu, dịch vụ tài chính số và các sản phẩm giá trị gia tăng.
Theo báo cáo kinh doanh 6 tháng vừa được nhà băng này công bố, lợi nhuận trước thuế và tổng tài sản của TPBank tăng lần lượt 12% và 18% so với cùng kỳ năm trước. Quy mô tài sản vượt mốc 428.600 tỷ đồng, hoàn thành 95% kế hoạch cả năm. Dư nợ tín dụng của nhà băng đạt gần 293.500 tỷ đồng, tương đương 93% kế hoạch năm, tăng hơn 31% so với cùng kỳ. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt trên 285.500 tỷ đồng, tăng gần 14% so với cuối năm 2024. Tăng trưởng tín dụng ở mức 11,7%, tập trung vào các lĩnh vực bán lẻ, bất động sản và tài chính tiêu dùng.

Nhân viên TPBank. Ảnh: TPBank
Tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) được duy trì ở mức 77%. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt trên 12%, vượt mức tối thiểu do Ngân hàng Nhà nước quy định. Đồng thời, tỷ lệ nợ xấu cũng được ngân hàng kiểm soát dưới ngưỡng quy định.
Tiếp nối đà tăng trưởng trong hoạt động tín dụng, tổng huy động của ngân hàng trong nửa đầu năm cũng đạt gần 377.500 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng lên gần 23%.
Theo VCBS, quá trình chuyển đổi số đã giúp nhà băng duy trì tỷ lệ CASA ổn định và nâng cao hiệu quả hoạt động. Trong khi đó, MBS Research nhận định TPBank sở hữu lợi thế nổi bật trong mảng ngân hàng số nhờ công nghệ hiện đại, khả năng tiếp cận khách hàng trẻ tốt và định vị rõ trong mảng bán lẻ.

Ngân hàng tập trung đẩy mạnh các dịch vụ tài chính số. Ảnh: TPBank
Bên cạnh tăng trưởng quy mô, ngân hàng còn đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn thu, giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng, gia tăng nguồn thu ngoài lãi, đặc biệt là từ dịch vụ tài chính số và các sản phẩm giá trị gia tăng. Tổng thu nhập hoạt động của nhà băng trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 9.100 tỷ đồng, trong đó thu từ dịch vụ chiếm 21%, tương đương khoảng 1.900 tỷ đồng, tăng hơn 14% so với cùng kỳ.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của “ngân hàng tím” tăng hơn 35% so với mức đáy hồi tháng 4, hiện giao dịch quanh ngưỡng 14.900 đồng (chốt phiên 17/7), với hệ số P/B gần 1 lần – thấp hơn mức trung bình của nhóm ngân hàng tư nhân.
Phiên 9/7, TPB ghi nhận mức tăng trần 6,79%, với hơn 62 triệu cổ phiếu được giao dịch, tương đương hơn 900 tỷ đồng, khối lượng và giá trị giao dịch cao nhất trong hơn ba tháng. Cổ phiếu TPB cũng được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 28 triệu đơn vị từ đầu tháng 7, tương đương hơn 400 tỷ đồng, thuộc nhóm mã ngân hàng được khối ngoại gom mạnh nhất gần đây.
TPBank cũng thu hút sự chú ý từ nhà đầu tư nhờ chính sách cổ tức ổn định. Trong quý II, ngân hàng chi trả cổ tức tiền mặt 10% và thông qua kế hoạch phát hành hơn 132 triệu cổ phiếu để trả cổ tức 5%, dự kiến nâng vốn điều lệ lên hơn 27.740 tỷ đồng. Nguồn chi trả cổ tức được trích từ lợi nhuận chưa phân phối.
Minh Ngọc