Bế mạc Hội nghị T.Ư lần thứ 12

Bế mạc Hội nghị T.Ư lần thứ 12

bởi

trong

Phát biểu bế mạc hội nghị, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Tô Lâm trân trọng cảm ơn các đồng chí T.Ư và đại biểu tham dự hội nghị đã phát huy tinh thần trách nhiệm cao, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, sâu sắc vào các nội dung trình hội nghị.

Bế mạc Hội nghị T.Ư lần thứ 12

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu bế mạc hội nghị

ẢNH: TTXVN

Về định hướng các Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư nêu rõ, Ban Chấp hành T.Ư yêu cầu Báo cáo chính trị mới phải được hoàn thiện theo hướng: Bảo đảm tính kế thừa và đổi mới, phản ánh đúng thực tiễn phát triển của đất nước, nhất là những thành tựu vượt bậc về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… với quan điểm chúng ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày hôm nay là bởi thành quả của 95 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, 80 năm Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 40 năm đổi mới và đặc biệt là sự đóng góp, hy sinh to lớn của nhiều thế hệ Đảng viên, của lớp lớp quần chúng nhân dân.

Báo cáo cần định rõ các mục tiêu của nhiệm kỳ Đại hội XIV và tầm nhìn đến năm 2045, 2050 và xa hơn nữa, gắn với 2 mục tiêu: 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nhấn mạnh các động lực phát triển mới, bao gồm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và khai thác hiệu quả lợi thế của hội nhập quốc tế sâu rộng; khẳng định vai trò then chốt của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; chống chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống; tăng cường kiểm soát quyền lực; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; nâng cao năng lực quản trị quốc gia và điều hành hoạt động của tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị.

Ban Chấp hành T.Ư giao Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục chỉ đạo các Tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIV hoàn thiện Văn kiện, tiếp tục tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong Đảng và toàn xã hội, đảm bảo chất lượng, đồng thuận, tầm vóc chiến lược. Các báo cáo Tổng kết thi hành điều lệ Đảng; Báo cáo Tổng kết 40 năm đổi mới cũng cần được tiếp tục hoàn thiện với tinh thần đã nêu để thật sự trở thành nền tảng giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng và nền tảng cho việc hoạch định các chiến lược phát triển đất nước trong tương lai.

Về nội dung sửa đổi, bổ sung một số Nghị quyết, kết luận của T.Ư để tạo cơ sở chính trị cho mục tiêu tiếp tục cải cách, đổi mới đất nước, Tổng Bí thư cho biết, T.Ư đã xem xét, cho ý kiến chỉ đạo về việc tổng kết thực tiễn, đánh giá các vướng mắc, bất cập trong một số luật và thể chế hiện hành, từ đó định hướng sửa đổi nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn pháp lý, thúc đẩy phát triển trong giai đoạn mới.

Ban Chấp hành T.Ư khẳng định cải cách thể chế là khâu đột phá, là động lực then chốt để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững. Do đó, Tổng Bí thư yêu cầu các cấp, các ngành chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật còn bất cập, mâu thuẫn; xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, minh bạch, khả thi, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bảo đảm quyền lợi chính đáng của nhân dân; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý nhà nước, chuyển đổi từ mô hình hành chính quản lý sang hành chính phục vụ.

Bế mạc Hội nghị T.Ư lần thứ 12 - Ảnh 2.

Hội nghị T.Ư 12 bế mạc sau 2 ngày làm việc

ẢNH: TTXVN

Về phương hướng công tác nhân sự Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư nhấn mạnh, T.Ư thống nhất nhận định: phương hướng công tác nhân sự Đại hội XIV của Đảng là văn bản đặc biệt quan trọng, quyết định toàn bộ công tác chuẩn bị và bầu cử nhân sự Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước, góp phần vào thành công Đại hội XIV của Đảng; tiếp tục nâng cao vị thế, khẳng định rõ hơn vai trò lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối, trực tiếp của Đảng đối với đất nước, nhất là khi chúng ta đang chỉ đạo tiến hành mạnh mẽ, đồng bộ, toàn diện cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy từ T.Ư đến cơ sở để bước vào kỷ nguyên phát triển phồn vinh của dân tộc.

Công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”, vì vậy, công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng cần phải tiến hành một cách đồng bộ, khoa học, bài bản, chặt chẽ, dân chủ, khách quan, minh bạch; bảo đảm thực hiện đúng các quy định của Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của pháp luật.

Tổng Bí thư đề nghị, công tác chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải tuân thủ, giữ vững quan điểm, nguyên tắc cơ bản của Đảng; phải đặt lợi ích quốc gia – dân tộc lên trên hết, trước hết; xử lý hài hòa, hợp lý giữa tiêu chuẩn và cơ cấu; giữa kế thừa, ổn định và đổi mới, phát triển; giữa tính phổ biến và tính đặc thù; giữa chuyên môn đào tạo và sở trường, năng lực thực tiễn; giữa uy tín, kinh nghiệm công tác và chiều hướng phát triển; trong đó, đặc biệt đề cao chất lượng, hiệu quả, sản phẩm công tác, sự cống hiến của cán bộ để làm thước đo trong đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ; bảo đảm phù hợp về cơ cấu, độ tuổi, giới tính, dân tộc, vùng miền.

Việc giới thiệu, lựa chọn nhân sự phải căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, nhìn chung dựa trên cơ sở quy hoạch nhưng không quá cứng nhắc mà cần phải căn cứ vào thực tiễn cụ thể để xem xét, không bỏ sót những nhân tố ngoài quy hoạch nhưng có phẩm chất, năng lực lãnh đạo nổi trội, đáp ứng tốt nhất yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn mới; đồng thời, gắn kết chặt chẽ với phương án bố trí nhân sự đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo chủ chốt của các ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị ở T.Ư, địa phương nhiệm kỳ 2026 – 2031 và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội nhiệm kỳ tới.

Tổng Bí thư lưu ý, kiên quyết không để “lọt” những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, không xứng đáng tham gia Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIV; đồng thời, phải có giải pháp, biện pháp hiệu quả để hạn chế, sớm khắc phục tình trạng nhân sự vừa được bầu vào Ban Chấp hành T.Ư Đảng hoặc mới được quy hoạch, bổ nhiệm đã phải xem xét kiểm điểm, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về định hướng phân bổ cơ cấu, số lượng ủy viên T.Ư Đảng chính thức khóa XIV cho các địa phương, cơ quan, đơn vị, T.Ư tán thành, thống nhất cao và cho rằng định hướng phân bổ được chuẩn bị tương đối kỹ lưỡng, chặt chẽ, có tính kế thừa, sát với tình hình thực tiễn và có tính thuyết phục; đồng thời, gắn kết chặt chẽ với yêu cầu lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng trước mắt cũng như trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Về Đại hội đảng bộ các cấp, Ban Chấp hành T.Ư xác định: Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây không chỉ là đợt sinh hoạt chính trị to lớn, sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân mà còn là tiền đề để tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Hiện nay, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị theo mô hình đơn vị hành chính 2 cấp đã đi vào hoạt động, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp theo lộ trình: Đại hội cấp cơ sở hoàn thành trước ngày 31.7.2025, đại hội cấp trên trực tiếp cơ sở và đảng bộ xã, phường, đặc khu hoàn thành trước ngày 31.8.2025; đại hội đảng bộ cấp tỉnh và Đảng bộ trực thuộc T.Ư hoàn thành trước ngày 31.10.2025.

Đồng thời, yêu cầu các đảng bộ trong quá trình chuẩn bị, tổ chức đại hội phải tập trung thảo luận kỹ lưỡng những nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục đóng góp hoàn thiện văn kiện Đại hội XIV của Đảng và văn kiện đại hội cấp mình; thể hiện sự đổi mới, cách mạng trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

T.Ư yêu cầu Ban Tổ chức T.Ư, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc khẩn trương triển khai kế hoạch tổ chức đại hội các cấp, xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh, không để bị động, chậm trễ hoặc để xảy ra mất đoàn kết nội bộ.

Tại hội nghị, Ban Chấp hành T.Ư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với các ông Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, Lê Minh Khái.

Đồng thời, khai trừ khỏi đảng đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiến; đồng ý để ông Đỗ Đức Duy thôi giữ chức Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII và ông Võ Chí Công thôi giữ chức Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII.

T.Ư thống nhất cao yêu cầu kiên định nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ, thực hiện đúng quy trình, khách quan, minh bạch, dân chủ nhưng nghiêm túc, tránh tình trạng vận động không lành mạnh.

Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, bên cạnh chủ trương quan tâm bồi dưỡng cán bộ cấp chiến lược thì còn phải đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở vững mạnh, đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ, lựa chọn những cán bộ bảo đảm tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực thực tiễn, tư duy đổi mới, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, gắn bó với nhân dân, có tầm nhìn phát triển để đưa vào những vị trí chủ chốt.